Đứa con của đồng đội

Sao ông không ngủ thêm chút nữa. Mới có 4 giờ sáng mà!

Thấy chồng vén màn bước ra khỏi giường, bà Cử quờ quạng với lấy cái đồng hồ nơi đầu giường, mắt hấp háy nhìn.

- Bà hẵng cứ nằm thêm chút nữa đi! Tôi không ngủ được. Để tôi dậy, ra sân đi lại cho khuây khỏa tay chân, đun ấm ước, pha ấm trà lá đặt bên ngoài cổng ngõ, bà con đi làm đồng ngang qua, có ai muốn uống thì uống. Mấy bữa nay, làng vào mùa gặt, tôi thấy mọi người ra đồng sớm lắm.

- Ông khi nào cũng chỉ nghĩ cho người khác... Bà Cử lầm bầm bằng giọng hờn dỗi. Ông Bạ nghe vợ nói, liền ngoảnh lại cười:

- Chỉ có bà là hiểu lão già này nhất! Nói rồi, tay phải ông với cây nạng gỗ, tấp tễnh bước ra nhà ngoài.

Ấm trà xanh được pha sẵn và ủ ấm trong cái thúng con, xung quanh quấn thêm cái áo cũ vừa khít, đặt trên cái ghế gỗ cũ kỹ nhưng khá chắc chắn. Bên cạnh ấm trà là hai, ba cái chén úp chồng lên nhau. Điều đặc biệt là mấy chữ viết trên mảnh bìa cát tông cắt từ thùng mì tôm “Ở đây uống nước trà xanh miễn phí” được dựng ngay bên cạnh cái thúng nhỏ đã rất cũ. Và công việc này ông Bạ đã thực hiện từ rất lâu rồi.

Minh họa của MINH SƠN

Minh họa của MINH SƠN

- Ông Bạ pha trà ngon quá! Nước trà khi nào cũng vàng sánh, thơm thơm. Uống vào thấy sảng khoái cả người mấy bà nhỉ?

- Đúng thế! Nước trà xanh ông Bạ pha thật đặc biệt. Cái hương vị chan chát, ngọt ngọt của lá trà hòa quyện với nước giếng trong thành cái vị khoai khoái uống đã thật.

Mấy người trong làng gánh lúa, thồ rơm ngang qua, dừng lại dưới gốc cây bàng già trước ngõ nhà ông Bạ, ngồi bệt xuống nền đất, tay phe phẩy quạt, tay nâng chén trà lên uống, miệng chem chép, đầu gật gù khen ngon và cứ thế chuyện trò rôm rả.

- Bác Bạ ơi, bơm giúp cháu cái bánh xe đạp với!

- Có ngay đây… Được rồi đấy!

- Cho cháu gửi tiền công.

- Ấy chết. Chú cứ giữ lấy. Có đáng là bao mà tiền với chả nong. Tôi bơm giúp thôi!

- Cháu cảm ơn bác ạ! Bác lúc nào cũng lấy việc giúp đỡ mọi người làm đầu. Thật quý tấm lòng thơm thảo của bác! Anh thanh niên trạc 30 tuổi vui vẻ nói lời cảm ơn ông Bạ, uống vội chén trà lá, hướng về mấy người làng đang ngồi, chào một tiếng rồi lên xe đạp đi rất vội. Anh bảo phải ra đồng phụ vợ gặt cho nhanh xong thửa ruộng để tránh cái nắng trưa oi nồng sắp sửa.

Bác Lý nay cũng xấp xỉ 60, ngồi bệt xuống đất, mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán nhăn nheo, cười toe để lộ mấy cái răng đã rụng, hướng về ông Bạ hỏi:

- Thế lâu nay, thằng Trường có hay về thăm ông bà không? Ông Bạ đang dở tay vá cái xe đạp, ngẩng lên cười:

- Cứ khi nào có thời gian rảnh là vợ chồng con cái nó đều về cả.

- Ông ơi! Thằng Trường mới điện về đấy. Nó nói cuối tuần này giỗ Tổ, được nghỉ bốn ngày, cả nhà nó sẽ về chơi. Bà Cử từ trong nhà lật đật bước ra, miệng bõm bẽm nhai trầu, khoe với chồng. Mấy người làng ngồi đấy nghe thấy lại nhỏ to:

- Cái thằng rõ là... Mới nhắc nó, tức thì nó gọi về ngay.

- Cái thằng nhìn thế mà có hiếu! Ông bà sống phước đức nên giờ được nhờ nó.

- Thế mà ngày trước, cả cái làng này đều nghĩ xấu cho ông Bạ. Ai cũng bảo rằng ông thế này thế khác. Mọi người nhìn ông Bạ, bà Cử, ai nấy lại nhớ đến câu chuyện của hơn 40 năm về trước.

Năm 1975, sau hơn 10 năm nhập ngũ, anh Bạ trở về với đôi chân tập tễnh, ngoài bộ quần áo quân phục đã nhàu nhĩ điều khiến mọi người từ đầu làng đến cuối làng giật mình là khi nhìn thấy đứa trẻ chừng 2 tuổi được anh dẫn theo về.

Ban đầu chẳng ai dám tin là thật. Vì ai nấy đều nghĩ anh đã tử trận. Mà cái giấy báo tử gửi về tận nhà cũng đã được năm năm rồi. Trong nhà, trên trang thờ, tấm di ảnh anh chụp ngày nhập ngũ đã lem lém màu nhang khói. Vậy mà, giờ anh lại đột ngột xuất hiện trước mọi người đích thị bằng da bằng thịt. Lại còn có thêm đứa trẻ nữa. Thế là cả làng lại được dịp xì xầm:

- Chắc chắn đây là con riêng của anh rồi. Kiểu này trong thời gian quân ngũ, lại có tình ý với cô nào đây... Chị Cử thì nước mắt giàn giụa. Ngay trong khoảnh khắc nhìn thấy chồng, chị sung sướng đến độ tim trong lồng ngực như thắt lại. Mòn mỏi chờ chồng cả chục năm trời, để rồi khi nghe tin chồng hy sinh lại quyết định ở vậy thờ chồng thì việc chồng trở về là diễm phúc vô bờ khiến chị thấy chẳng có niềm vui nào hơn thế. Nhưng chị cũng lại tò mò, cũng lại băn khoăn, cũng lại ngầm đau khổ khi nhìn thấy đứa trẻ đi bên chồng. Hiểu vợ, anh Bạ khi ấy giải thích rõ với chị, cũng là nói với mọi người rằng:

- Đây là con trai của vợ chồng người đồng đội đã khuất của tôi. Anh chị ấy đều hy sinh trên chiến trường. Trước khi mất, họ nhờ tôi chăm sóc thằng bé... Chuyện dài lắm. Để từ từ tôi sẽ kể mình nghe. Nhưng dù anh Bạ có giải thích, có thanh minh, có nói thật lòng mình thì những lời đồn thổi, bàn ra tán vào của mọi người cũng không vì thế mà nguôi đi.

Từ ngày chồng trở về, chị Cử như chết đi sống lại. Chị chăm sóc thằng bé Trường như chính con mình đẻ ra. Thằng bé cũng quấn quýt bên chị suốt ngày. Suốt một tuần sau ngày trở về, những câu chuyện trên chiến trường của mình và đồng đội được anh Bạ kể lại cho vợ nghe. Khi đang tham gia chiến đấu trên mặt trận phía Tây Nam, anh bị địch bắt giam, bị tra tấn dã man. Vì để giữ bí mật, từ khi bị bắt cho tới khi được trả tự do, ròng rã hơn 5 năm trời, anh không hé răng nói một lời. Chúng tra tấn anh bằng cách dùng roi điện dí từ đầu đến chân, dùng dao chọc vào mạn sườn, đá mũi giày đinh vào bụng rồi dùng dây treo người anh lên… Chúng bắt anh phải khai tên những người đồng đội, chúng dọa sẽ giết anh nếu anh chống đối. Vì để qua mặt kẻ thù, anh đành giả câm suốt chừng ấy thời gian. Rồi sau đấy, anh lại giả điên. Cuối cùng, chúng bất lực khi không thể khai thác được bất cứ tin gì ở anh và đành trả tự do cho anh. Thế rồi anh lại tìm về đơn vị và đồng đội của mình, tiếp tục chiến đấu. Anh Bạ chỉ từng vết thương đã thành sẹo trên khắp thân thể mình. Mỗi vết thương là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều là máu và nước mắt không thể đong đếm. Những câu chuyện chồng kể khiến chị Cử chỉ biết lặng người thương chồng và căm thù lũ giặc tàn ác.

- Còn thằng cu Trường… Anh Bạ ngắm nhìn khuôn mặt ngây thơ của thằng bé đang ngủ ngon lành trên giường, nhớ lại lời trăng trối của Chiến, người đồng đội của anh trước lúc hy sinh:

- Vợ chồng tao đã chết vì Tổ quốc. Tao không hối hận khi phải nằm xuống để cho đất nước được giải phóng. Quê tao cũng ngoài Bắc, cha mẹ tao không còn. Tao chỉ tiếc là không thể chăm sóc cho con trai mình. Mày… tao nhờ mày hãy chăm sóc thằng bé. Ở dưới suối vàng, vợ chồng tao sẽ mang ơn mày suốt đời…

Lúc ấy, anh Bạ đã nắm chặt lấy tay Chiến, gật đầu chấp nhận. Đó cũng là lúc người đồng đội của anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Trở về từ chiến trường được mấy năm thấy chẳng có con, một lần đi khám, anh Bạ biết mình không còn khả năng sinh con. Thương chị Cử, có lần anh năn nỉ:

- Hay là mình hãy đi bước nữa đi! Từ lâu, mình vẫn luôn khát khao được làm mẹ. Vậy mà giờ tôi…

- Em coi thằng cu Trường như con ruột. Dẫu không sinh được con cho anh nhưng cả đời này, em chỉ muốn ở bên chăm sóc anh và con. Với em, như vậy là hạnh phúc rồi.

Cuộc sống của vợ chồng ông Bạ mấy chục năm sau, tuy có khó khăn, vất vả nhưng trong nhà luôn êm ấm, thuận hòa. Càng lớn, Trường càng ngoan, học giỏi. Bà Cử vui với niềm vui mỗi ngày chăm sóc vườn rau, mang ra chợ bán, khi thì đồng mắm đồng muối, khi lại đồng quà tấm áo cho con. Ông Bạ thì vui với nghề sửa xe đạp từ bộ đồ nghề cha ông để lại. Dưới tán cây bàng mùa nối mùa xanh mát, số tiền kiếm được từ nghề sửa xe tuy chẳng là bao nhưng nó khiến ông đỡ buồn tay buồn chân rồi thì khuây khỏa cơn đau những khi trái gió trở trời. Đến khi Trường học xong đại học, có công việc ổn định trên phố, mấy lần ông Bạ cùng con trai cũng có ra Bắc thăm lại họ hàng, thắp nhang cho ông bà tổ tiên. Rồi năm nào ông cũng cùng con lên nghĩa trang Trường Sơn để thắp nhang cho ba mẹ Trường. Khi con đã trưởng thành, hàng ngày, ông sửa xe, bơm xe miễn phí, kèm theo ấm trà lá cũng miễn phí đặt ngay bên cửa quán. Ông thấy vui vì điều đó. Hai vợ chồng ông còn vui vẻ với việc chăm sóc mấy luống rau sạch, trồng thêm mấy chậu hoa, cây cảnh… Thích nhất vẫn là đám trẻ con trong xóm, ngày nào không phải đến lớp, chúng đều rủ nhau đến ngồi dưới tán bàng, nghe ông kể chuyện kháng chiến. Sau mỗi câu chuyện ông kể, mặt mũi đứa nào cũng trầm ngâm như tỏ rõ lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông đã khuất cũng như cảm phục về những người anh hùng như ông. Rồi đứa nào cũng nghe lời ông sẽ chăm ngoan, cố gắng học hành chăm chỉ để mai này lớn lên chung tay xây dựng đất nước, để đất nước không còn chiến tranh đau thương.

- Ba ơi, vợ chồng con và các cháu về thăm ba mẹ đây ạ!

- Chúng cháu chào ông nội, bà nội. Con trai, con gái của Trường, đứa học lớp 9 đứa học lớp 6 nhanh nhảu chào. Ông Bạ dang tay ôm chúng vào lòng, xoa đầu, hỏi han chúng nào chuyện học, chuyện ăn uống, vui chơi trên phố. Ba ông cháu cứ quấn quýt, nói cười vui vẻ. Trường cẩn thận bày biện hoa quả, nhẹ nhàng thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên. Còn Hương, vợ anh đon đả cùng bà Cử lo chuẩn bị cơm dưới bếp. Bữa cơm ngày giỗ tổ bên những câu chuyện cũ chuyện mới của gia đình ông Bạ cứ thế trôi đi trong tiếng nói cười vui vẻ và khói hương trầm thoảng đưa thật ấm áp.

Truyện ngắn của THANH BA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201904/dua-con-cua-dong-doi-850084/