Đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

Bước sang giai đoạn mới 2021-2025, với những mục tiêu cao hơn đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và mang tính bền vững.

 Trong giai đoạn 2021-2025, cần đưa chương trình xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững (Ảnh: Thanh Lê)

Trong giai đoạn 2021-2025, cần đưa chương trình xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững (Ảnh: Thanh Lê)

Nhiều kết quả toàn diện

Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.

Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015 và gấp 3,35 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn khoảng 5,6%.

Bên cạnh đó, đến hết năm 2020, chương trình đã vượt 12% số xã đạt chuẩn NTM (62%) so với mục tiêu được Đảng và Nhà nước giao. Sau khi rà soát lại các xã đã sáp nhập theo Nghị quyết của Quốc hội, đến tháng 4/2021, cả nước có 5.248/8.267 xã (63,5%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 305 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã.

Cùng với đó, đã có 190 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 28,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Đồng thời, có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh gồm Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phát triển nông nghiệp là một trong những giải pháp góp phần quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới (Ảnh: BT)

Đưa chương trình đi vào chiều sâu và bền vững

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục xây dựng NTM “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng NTM mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho khoảng 20% số xã chưa đạt chuẩn để phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn hoàn thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải tạo điều kiện sinh hoạt và sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM để phấn đấu đạt mục tiêu cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng khác của cả nước, đảm bảo tính công bằng trong đầu tư xây dựng NTM giữa các vùng có điều kiện phát triển với các vùng đặc biệt khó khăn của cả nước. Cùng với đó, hỗ trợ cho các địa phương (huyện, xã) đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để đảm bảo phát triển bền vững.

Bám sát chủ trương trên, Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Phấn đấu đến năm 2025, ở cấp thôn, có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Về cấp xã, có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Về cấp huyện, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Về cấp tỉnh, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để triển khai các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tập trung giải quyết, xử lý một số vấn đề bức thiết ở địa phương được đúc rút sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM về: môi trường, nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, tập trung ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của địa phương theo Chương trình OCOP; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự xã hội và quốc phòng trên địa bàn.

Đáng chú ý, theo Bộ NN&PTNT, cần tập trung chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo hướng: tiếp tục kế thừa, kiện toàn trên cơ sở bộ máy đã được xây dựng giai đoạn 2016-2020; đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ; đảm bảo tính chuyên trách, chuyên nghiệp, ổn định, bền vững và lâu dài nhưng không làm phát sinh tổng biên chế đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 hạn chế hơn so với giai đoạn 2016-2020, cần huy động tối đa nguồn lực của địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) tăng nguồn thu để có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/phong-trao-thi-dua/dua-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-di-vao-chieu-sau-ben-vung-6113