Đưa các anh về với người thân

Hơn 43 năm lặng thầm trong lòng đất, nhiều mộ liệt sĩ tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã được phát hiện, khai quật để đưa các anh về với người thân

Sáng 26-7, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng người dân đã tham dự lễ truy điệu, an táng 42 liệt sĩ chưa rõ danh tính tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Những liệt sĩ này vừa được tìm thấy trong phần đất được quy hoạch làm KCN tại xã An Tây, thị xã Bến Cát.

Không thể lãng quên!

Đại tá Võ Đức Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, cho biết khu đất phát hiện hài cốt đã được quy hoạch làm KCN. Nếu hài cốt không kịp phát hiện, quy tập, nhà xưởng mọc lên thì không thể tìm thấy được nữa. Người phát hiện khu huyệt mộ này là ông Đặng Văn Hoàng - 58 tuổi, một người dân địa phương.

Ông Hoàng phát hiện khu mộ này trong lúc vào rừng săn bắn năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1987, khu đất này nằm trong khu quy hoạch trồng điều. Máy ủi đã san lấp luôn các ngôi mộ, điều được trồng lên trên. Lúc đó, ông Hoàng làm thuê tại nông trường. Thấy các ngôi mộ bị vùi lấp, ông day dứt nên đánh dấu định vị qua những cây điều và con đường gần đó. Đến năm 1994, khu đất này lại bị ủi phẳng để trồng cao su. Gần đây, khu đất được san lấp để làm KCN.

Thấy doanh nghiệp xây tường rào, có thể làm thêm nhà xưởng ở khu vực trên, ông Hoàng liền nói chuyện này với con trai là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã An Tây. Nghi ngờ các ngôi mộ có thể là mộ liệt sĩ, con trai ông Hoàng tức tốc báo vụ việc lên cấp trên.

Từ ngày 5-7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã dò tìm, đào bới theo sơ đồ do ông Hoàng vẽ. Sau 10 ngày khai quật, bộ hài cốt đầu tiên được tìm thấy. Mở rộng tìm kiếm, hàng loạt ngôi mộ khác được phát hiện, hài cốt còn bọc trong tăng, võng. Nhiều vật dụng như ví, nhẫn, lược... vẫn còn trong các ngôi mộ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hải, 62 tuổi, lặn lội từ Thái Bình vào Bình Dương với hy vọng trong 42 hài cốt vừa quy tập có anh ruột của mình

Tìm tên cho liệt sĩ

Sáng 26-7, hay tin Bình Dương đưa các hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang thị xã Bến Cát, nhiều người dân từ Thái Bình, Đồng Nai, TP HCM đã tới đây với hy vọng sẽ tìm được thân nhân trong số những liệt sĩ được tìm thấy.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hải (62 tuổi) cho biết: "Tôi vừa vào từ Thái Bình. Tôi hy vọng trong số hài cốt mà Bình Dương vừa tìm được có anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Kháng (SN 1952, thuộc Sư đoàn 9 của Quân đoàn 4). Nhiều năm rồi chúng tôi tìm nhưng không thấy anh. Trước khi mất, cụ nhà tôi dặn dò phải tìm được anh đưa về quê".

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cũng đến nghĩa trang với hy vọng tìm ra manh mối về người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Đức Bảo, hy sinh vào tháng 6-1974 trong Chiến dịch đường 7 tại khu vực An Điền. "Bao nhiêu năm qua, gia đình tôi tìm hài cốt anh mà không được. Vừa rồi đọc báo, tôi mới biết Bình Dương tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh ở vùng An Điền. Tôi hy vọng qua giám định ADN sẽ xác định được hài cốt anh mình có trong số các liệt sĩ vừa quy tập. Nghe nói một số hài cốt liệt sĩ đã tan vào đất nên việc giám định rất khó khăn. Dù sao thì tôi vẫn nuôi hy vọng tìm ra anh mình" - bà Thu mong mỏi.

Theo đại tá Vũ Đức Long, Phó Chính ủy Quân đoàn 4, khu vực phát hiện mộ liệt sĩ là nơi đóng quân, chiến đấu của Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 trong giai đoạn 1972-1974. Hồ sơ lưu trữ của 2 sư đoàn còn dữ liệu về những trận đánh ở khu vực này cũng như danh sách 150 chiến sĩ đã hy sinh. Khi đồng đội hy sinh, các chiến sĩ đã chôn cất tạm ở khu nghĩa trang trong rừng và vẽ lại sơ đồ nhưng bị thất lạc.

Đại tá Long phỏng đoán còn nhiều hài cốt ở khu vực phát hiện huyệt mộ. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục khai quật tìm kiếm và kết nối thông tin từ các phía để xác định danh tính từng liệt sĩ và thông báo cho thân nhân.

Chiến trường ác liệt

Năm 1974, quân ta quyết định mở rộng vùng giải phóng tại Bến Cát. Sư đoàn 9 được giao nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm các đồn Rạch Bắp, Ri Nét, Kiến Điền. Đặc biệt, đêm 15 rạng sáng 16-5-1974, quân ta đã tiêu diệt, làm bị thương gần 500 tên địch và khống chế đoạn đường 7 (dài 8 km từ Rạch Bắp đến Bến Cát), giải phóng khu vực rộng 80 km2.

Sau đó, địch điều 3 chiến đoàn lên đánh chiếm lại vùng này. Hai bên trải qua 135 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Quân ta giành nhiều thắng lợi lớn nhưng không ít chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dua-cac-anh-ve-voi-nguoi-than-20170726215908555.htm