Đưa bã mía, mùn cưa trồng nấm linh chi

Một dự án trồng nấm linh chi rất khả thi đang được nhóm nghiên cứu của PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên (Trường Đại học Tây Nguyên) nghiên cứu thành công, trồng thử nghiệm để chuẩn bị nhân rộng.

Tìm môi trường sạch cho nấm

Ở Tây Nguyên hiện có rất nhiều nơi trồng tập trung vùng nguyên liệu mía lớn, phục vụ cho hàng loạt nhà máy sản xuất đường. Riêng tại Đắk Lắk, các huyện như Ea Súp, Ea Kar, M’Đrắk là những vựa mía ổn định, hằng năm cung cấp hàng ngàn tấn mía nguyên liệu cho các nhà máy.

Nhiều năm qua, việc dùng mía để sản xuất đường đã tạo ra rất nhiều bã mía. Tuy nhiên, nguồn bã mía thường được đốt, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường sống xung quanh.

Ngoài ra, tại Đắk Lắk cũng có hàng ngàn ha gỗ cao su, gỗ keo, tràm rất phong phú được trồng trên các nông trường, tạo trữ lượng gỗ sản xuất phong phú.

Nấm Linh Chi đang giai đoạn gần thu hoạch.

Nấm Linh Chi đang giai đoạn gần thu hoạch.

Từ những yếu tố trên có thể khẳng định, đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để người dân phát triển nông-lâm nghiệp. Đồng thời, cũng tạo tiền đề thuận lợi cho việc nghiên cứu, tận dụng mùn cưa, bã mía để tái sản xuất, đầu tư trồng nấm linh chi trên diện rộng.

Theo PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên (Chủ nhiệm đề tài trồng nấm linh chi), nhóm của ông gồm 7 thành viên đã nghiên cứu thành công trong việc kết hợp bã mía với mùn cưa cao su để trồng nấm linh chi.

Cũng theo PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên, hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, nguồn nguyên liệu bã mía và mùn cưa của cây cao su đang rất dồi dào. Đặc biệt, khí hậu ở Tây Nguyên vô cùng thuận tiện cho việc trồng nấm linh chi.

“Việc phối hợp giữa 2 loại nguyên liệu bã mía với mùn cưa cây cao su tạo ra nguồn dinh dưỡng cực tốt để cho cây Nấm Linh Chi phát triển một cách tối đa, đồng thời tạo ra một môi trường trong sạch cho cây nấm”, PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên chia sẻ.

Theo tính toán của nhóm nhà khoa học Trường Đại học Tây Nguyên, năng suất dùng bã mía với mùn cưa để trồng nấm linh chi cao hơn nhiều với việc trồng trong các môi trường truyền thống trước đây.

Cụ thể, trước đây người dân chỉ dùng mùn cưa để trồng nấm nên năng suất thấp hơn 25-30% so với khi kết hợp thêm bã mía vào trồng nấm.

Việc trồng nấm linh chi cũng hết sức đơn giản, người nông dân chỉ cần khoảng 50m2 diện tích đất là có thể trồng được. Hiện nay giá loại nấm này trên thị trường rơi vào khoảng 1 đến 1,2 triệu đồng/kg. Tính sơ bộ, diện tích 50m2 thu được khoảng 30-40 kg nấm linh chi, tương đương hơn 30 đến 40 triệu đồng/1 lần thu hoạch.

Nói về việc lợi thế của việc trồng nấm linh chi, PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên cho biết, việc người dân phát triển trồng loại nấm này chỉ cần đầu tư ít mà vẫn có năng suất cao, có thể trồng gối đầu 2 tháng thu hoạch 1 đợt, một năm thu hoạch 3 đến 4 đợt, thời gian còn lại để khử trùng.

Bên cạnh hàng loạt những thuận lợi trong quá trình trồng nấm linh chi kết hợp giữa mùn cưa và bã mía vẫn cón tồn tại những khó khăn nhất định như: đầu ra của nấm linh chi hiện nay còn hạn chế; loại nấm này chủ yếu đang tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu nước ngoài chưa có và quá trình này phải có những nhà đầu tư lớn làm cầu nối để có thể xuất khẩu trong tương lai…

Ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể nhận thấy, lợi thế của người nông dân Tây Nguyên so với các vùng khác trong nước là có quỹ đất rất nhiều nên cực kỳ thuận tiện trong việc trồng nấm linh chi. Ngoài ra, chi phí trồng nấm rất rẻ phù hợp với túi tiền của người nông dân khi họ bắt tay vào đầu tư.

Hướng đi mới cho người nông dân

Anh Nguyễn Quang Thực (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một người trồng nấm linh chi truyền thống trước đây cho biết, việc trồng nấm linh chi truyền thống chỉ dùng mùn cưa cao su năng suất không cao lắm. Vì vậy, anh Thực không trồng nữa mà chuyển đổi kinh doanh trồng cây khác.

“Tôi có nghe và tìm hiểu công trình nghiên cứu của PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên (Trường Đại học Tây Nguyên) là kết hợp bã mía với mùn cưa trồng nấm linh chi cho kết quả khả quan. Nếu được tôi sẽ đầu tư trồng lại vì gia đình tôi đang còn dư quỹ đất mà trồng nấm thì lại không cần nhiều đất.”, anh Thực cho hay.

Nấm Linh Chi đang giai đoạn trổ.

Anh Nguyễn Xuân Bắc (ngụ TP. Buôn Ma Thuột), người hiện đang dùng nấm linh chi của PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên đánh giá, chưa thể nói về chất lượng nấm trồng theo phong cách truyền thống và cách trồng của thầy Nguyên (kết hợp bã mía và mùn cưa cây cao su để trồng). Thế nhưng, có thể khẳng định, người nông dân nên chọn cách của thầy Nguyên để trồng là hợp lý nhất, vì năng suất cao, chi phí rẻ, nguyên liệu sạch, dễ kiếm.

“Thực tế, hiện nay người nông dân Tây Nguyên đang còn có nhiều vấn loay hoay trong việc chuyển đổi cây trồng, công trình của PGS- TS Nguyễn Phương Đại Nguyên và nhóm nghiên cứu đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế”- anh Bắc cho hay.

Còn anh Nguyễn Thành Công ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình anh đang có nhiều đất để không, anh Công có nghe công trình của thầy Nguyên cùng nhóm nghiên cứu từ lâu và hiện đang có ý định tận dụng diện tích để trồng nấm linh chi.

Rõ ràng, nấm linh chi vừa có chi phí trồng thấp, giá thành lại cao các nguồn dinh dưỡng cho nấm dồi dào, diện tích không cần nhiều lắm nên có thể phát triển ra thị trường đại trà giúp cho người nông dân phát triển kinh tế.

Nấm linh chi, tên khoa học là Ganoderma lucidum, là một loại nấm lỗ thuộc chi Ganoderma, họ Nấm lim (Ganodermataceae). Nấm linh chi còn có những tên khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung.

Nấm Linh chi là một dược liệu mà con người từ xa xưa đã biết dùng làm thuốc. Trong Thần nông bản thảo nấm linh chi được xếp vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm, trong Bản thảo cương mục nấm linh chi được coi là loại thuốc quý, có tác dụng bảo can (bảo vệ gan), giải độc, cường tâm, kiện não (bổ óc), tiêu đờm, lợi niệu, ích vị (bổ dạ dày); gần đây các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện nấm linh chi còn có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa làm tăng tuổi thọ.

Có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã định danh được các hoạt chất và xác định tác dụng dược lý của nấm linh chi như: gecmani, axit ganoderic, axit ganodermic, axit oleic, ganodosteron, ganoderans, adenosine, beta-D-glucan, (đặc biệt trong nấm linh chi, có hàm lượng gecmani cao hơn trong nhân sâm đến 5 - 8 lần). Các nhà khoa học Việt Nam tìm thấy trong nấm Linh chi có chứa 21 nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự vận hành và chuyển hóa của cơ thể như: đồng, sắt, kali, magie, natri, canxi

Theo y học cổ truyền, nấm linh chi có vị nhạt, tính ấm, có tác dụng tư bổ cường tráng, bổ can chí, an thần, tăng trí nhớ.

Ngày nay người ta biết trong nấm linh chi có gecmani giúp tế bào hấp thụ Ôxy tốt hơn; polysaccharide làm tăng sự miễn dịch trong cơ thể, làm mạnh gan, diệt tế bào ung thư; acid ganodermic chống dị ứng, chống viêm.

Hải Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/dua-ba-mia-mun-cua-trong-nam-linh-chi-258045.html