Đưa ẩm thực Việt Nam trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù

Ngành du lịch Việt Nam đang chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch, trong đó ẩm thực nổi lên một một sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng của du lịch Việt Nam.

Những giá trị độc đáo của ẩm thực Việt Nam

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam” do Hiệp hội du lịch Việt Nam phối hợp với Hội di sản văn hóa Việt Nam tổ chức vào ngày 31/3, nhiều đại biểu nhận định: Ẩm thực Việt Nam có những giá trị độc đáo, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế cho thấy nhiều món ngon của Việt Nam đã làm say mê bao nhiêu du khách quốc tế và lan tỏa ra khắp thế giới. Điều này khiến cho ẩm thực Việt hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: Ẩm thực Việt Nam luôn gắn bó với sự phát triển hàng năm của dân tộc, do vậy ẩm thực Việt Nam rất phong phú và độc đáo. Nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam là sự tinh tế, thanh đạm và hài hòa của các loại gia vị. Các món ăn của người Việt được xây dựng trên nền tảng thực phẩm giản dị, bình dân nhưng rất phong phú.

Đồng quan điểm trên, ông Vương Xuân Tình, Phó chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, độc đáo và có ý kiến cho rằng, cùng với Trung Hoa và Pháp, ẩm thực Việt Nam là một trong những nền ẩm thực được ưa chuộng trên thế giới. “Bản sắc ẩm thực Việt Nam gắn với vùng miền, tôc người và tôn giáo, dưới tác đông của điều kiện tự nhiên, lịch sử và giao lưu văn hóa. Bản sắc đó phản ánh đậm nét trong các đặc sản ẩm thực, tức trong món ăn, đồ uống, cách thức và những câu chuyện liên quan đến ăn uống. Đây chính là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch ẩm thực” - Ông Vương Xuân Tình khẳng định.

Ẩm thực Việt Nam ẩn chứa những giá trị độc đáo. (Ảnh minh họa: VH)

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ẩm thực Việt Nam hấp dẫn khách du lịch, kể cả khách nội địa, quốc tế. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như: phở, bún chả, nem… đã được bạn bè quốc tế thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Hình ảnh các vị nguyên thủ nhiều quốc gia đến Việt Nam thưởng thức ẩm thực đã thực sự góp phần làm ẩm thực nước ta ngày nổi tiếng hơn. Sự kiện tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến ăn phở ở quán phở 2000, thành phố Hồ Chí Minh, hay Tổng thống Obama đã đến ăn bún chả ở quán Hương Liên, 24 Lê Văn Hưu, Hà Nội… đã làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn. Giáo sư Philip Kotler chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới đã gợi ý cho ngành du lịch Việt Nam “Hãy đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”” để thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam hiện có khoảng trên 50.000 đầu bếp chuyên nghiệp, họ cũng chính là lực lượng chủ lực trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống. Họ cũng là người kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế. Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thành lập Hội Đầu bếp Việt Nam nhằm liên kết, hợp tác, hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, bồi dưỡng tài năng cho đội ngũ đầu bếp Việt Nam, tạo thương hiệu cho ẩm thực Việt. Hội này cũng sẽ tiến hành xây dựng và chuẩn hóa các món ăn Việt Nam, xây dựng tiêu chí về xếp hạng đội ngũ đầu bếp Việt Nam, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút ngày một nhiều khách đến Việt Nam.

Bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực Việt

Hiện nay, hội nhập đang là xu thế của thế giới. Trong quá trình hội nhập, các quốc gia tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới nhưng cũng đứng trước các nguy cơ mất đi các giá trị truyền thống – yếu tố tạo ra sự khác biệt, độc đáo của mỗi dân tộc. Điều này có thể thấy rõ ở lĩnh vực ẩm thực. Người Việt Nam ngày càng quen với các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, dẫn đến việc nhiều món ăn Việt có nguy cơ biến mất hoặc bị biến dạng, nhất là các món truyền thống, món ăn đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, việc đầu tư để bảo tồn, phát triển ẩm thực truyền thống là nhu cầu quan trọng để phát triển du lịch và kinh tế xã hội đất nước.

Theo ông Vương Xuân Tình, Phó chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cần điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, 2025 và tầm nhìn 2030, đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược kế tiếp. Theo đó, cần đưa du lịch ẩm thực trở thành một loại hình du lịch ở nước ta. Mặc dù, ẩm thực thuộc một phạm trù văn hóa, song do tính đặc thù và hữu ích của nó nên cần tách thành loại hình riêng, không trong du lịch văn hóa.

Mặt khác cần nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng nghiên cứu, đào tạo và truyền thông. Cần có nhiều công trình nghiên cứu cơ bản về giá trị ẩm thực Việt Nam; xây dựng bộ môn du lịch ẩm thực ở một số trường đại học, cao đẳng và viện, trung tâm nghiên cứu liên quan; xuất bản sách hướng dẫn về du lịch ẩm thực; tổ chức kênh phát thanh, truyền hình về ẩm thực du lịch Việt Nam.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, có nhiều biện pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững. Trong đó, cần chú trọng đến việc thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của động đồng các dân tộc, tư liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực, đưa di sản văn hóa ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đưa di sản văn hóa ẩm thực vào các thiết chế văn hóa, phục vụ du lịch, xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực – điểm đến du lịch…

Dưới góc độ chuyên gia về ẩm thực, nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, cần đưa các món ăn Việt vào các khách sạn, nhà hàng, không nên để nhiều món Âu quá bởi điều này làm lép vế ẩm thực Việt. Mặt khác, cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để quảng bá thương hiệu ẩm thực Việt, trong đó chú trọng đến việc quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Theo Hội lữ hành ẩm thực thế giới, hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Còn báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực lại cho rằng, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 chỉ sau yếu tố văn hóa, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.

V.Hà

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/dua-am-thuc-viet-nam-tro-thanh-mot-san-pham-du-lich-dac-thu-478667.html