Du xuân làng cổ miền Tây

Trong những ngày đầu xuân, dừng chân lại miền Tây sông Hậu trù phú, thăm đất Cần Thơ 'gạo trắng nước trong', nếu bạn không đến tham quan Làng cổ Long Tuyền, sẽ là một điều thiếu sót đáng tiếc! Bởi đây là vùng đất còn lưu giữ được những dấu ấn của thời cha ông ta khai phá đất phương Nam. Bản sắc văn hóa độc đáo của người Nam bộ, truyền thống yêu nước đấu tranh kiên cường đã hội tụ, phát huy trên vùng đất nầy với những truyền thuyết, giai thoại còn lại đến ngày nay.

Người dân đi lễ hội đình Bình Thủy những ngày đầu năm Mậu Tuất. Ảnh: ĐHT

Làng Long Tuyền cổ (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) là một địa phương đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bởi nơi đây tập trung đến 7 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Thứ nhất là Hội Linh cổ tự, một ngôi chùa cổ cách trung tâm Thành phố Cần Thơ 4km trên quốc lộ 91 về An Giang. Chùa được sáng lập năm 1907 do hai ông bà Phạm Văn Bường và Nguyễn Thị Tám, lúc đó thuộc làng An Bình, tổng Định Bảo, hạt Cần Thơ. Chùa nằm tại một khu vực khá yên tĩnh, có những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật tôn giáo độc đáo. Đặc biệt nơi đây còn là một “địa chỉ đỏ” trong thời kỳ chống Mỹ rất nổi tiếng của thành phố Cần Thơ.

Kế tiếp là mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, đi theo quốc lộ 91 về An Giang khoảng 5km, rẽ phải chừng 100m là nơi yên nghĩ của nhà thơ yêu nước Bùi Hữu Nghĩa, vị quan thanh liêm chính trực, luôn đứng về phía nhân dân cùng khổ và bị áp bức. Mộ cụ Thủ Khoa Nghĩa vừa mới được trùng tu lại vào năm 2005. Địa danh này đã qua năm lần tu sửa những vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ.

Chùa Long Quang là một điểm đến thu hút đông đảo người dân Cần Thơ và du khách trong những ngày xuân.

Điểm đến thứ ba là chùa Nam Nhã, cũng nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km, theo quốc lộ 91 đi An Giang, về phía phải dốc cầu Bình Thủy. Chùa được sáng lập vào năm 1895 do ông Nguyễn Giác Nguyên, đến năm 1917 thì hoàn thành. Chùa Nam Nhã nằm ngay ở vàm sông Bình Thủy, có không gian sông nước thanh tĩnh và xanh mát bóng cây cổ thụ. Nơi đây đã từng ghi dấu ấn của phong trào Đông Du.

Gần chùa Nam Nhã là đình Bình Thủy, còn có tên gọi là Long Tuyền cổ miếu. Đình được xây dựng và hoàn thành vào năm 1910, diện tích khuôn viên khoảng 4000m2, công trình xây dựng theo kiến trúc truyền thống, trước và trong đình có nhiều phù điêu, tranh tượng chạm trổ. Đình Bình Thủy thờ “ Thành hoàng bổn cảnh” (vua Tự đức sắc phong năm 1852), ngoài ra còn có thờ các vị anh hùng dân tộc và các danh nhân lịch sử-văn hoa như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Phan Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa, Hồ Xuân Hương. Ở gian giữa của đình thờ ông Đinh Công Chánh, một vị thần có công, được nhân dân kính trọng.

Ở đình Bình Thủy hàng năm có lễ hội “Kỳ yên Thượng điền” được tổ chức quy mô từ ngày 12 đến ngày 14-4 âm lịch. Nhân dân địa phương và các nơi về cúng bái, vui chơi, tham quan lễ hội rất đông vui và nhộn nhịp.

Từ đình Bình Thủy đi ra theo hướng rẽ vào chợ Bình Thủy sẽ đến di tích Cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng. Sau đó, theo Hương lệ 28 đi hơn 3km sẽ đến Long Quang cổ tự. Chùa được xây dựng năm 1835 bởi nhà sư Võ Văn Quyền. Đây là một ngôi chùa cổ có một hệ thống tượng phật bằng gỗ đặc sắc, biểu hiện nghệ thuật chạm trổ, khắc họa điêu luyện và tài hoa của những nghệ nhân cách đây 170 na7m.

Ngoài các di tích trên, làng cổ Long Tuyền còn có những địa danh gắn liền với lịch sử của một thời mở đất phương Nam như nhà cổ họ Dương (còn gọi là nhà cổ Vườn Lan) có tuổi đời hơn 140 năm. Ngôi nhà này đã góp phần đưa tên tuổi vùng đất “Bình Thủy-Cần Thơ” vào danh sách các điểm đến du lịch đặc sắc, thu hút du khách nước ngòa bởi đã từng là địa điểm được đạo diễn người Pháp J.J Annaud chọn làm nơi quay bộ phim “L' amant” (Người tình).

Đặng Hoàng Thám

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269193/du-xuan-lang-co-mien-tay.html