Du xuân hữu nghị ở Thái Nguyên

Gần 300 đại biểu gồm các đại sứ, cán bộ đại sứ quán các nước, đại diện các hội hữu nghị, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã được sống trong không khí của một ngày nắng đẹp ở Thái Nguyên với sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam và trà Tân Cương độc đáo…

Mới đây, chương trình Du xuân hữu nghị năm 2018 đã được tổ chức nhằm góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các đại biểu quốc tế với nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, bạn bè quốc tế đã đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tham quan Không gian Văn hóa Trà và Làng trà Sinh thái xã Tân Cương, để tìm hiểu quy trình sản xuất đặc sản trà Tân Cương và trải nghiệm văn hóa uống trà độc đáo của Việt Nam….

Trải nghiệm văn hóa Việt

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam ở thành phố Thái Nguyên được thành lập năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc. Năm 1990 đổi tên thành Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam và trở thành 1 trong 7 Bảo tàng quốc gia Việt Nam.

Được xây dựng trên một khuôn viên rộng 40.000m², Bảo tàng là một công trình kiến trúc quy mô, tầm cỡ, mang nhiều tính nghệ thuật, đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về kiến trúc năm 2006. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển với hàng trăm cuộc nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đang quản lý gần 30.000 tài liệu, hiện vật có giá trị, là cơ sở để hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà cũng như ngoài trời.

Các đại biểu chụp ảnh tại Không gian văn hóa trà Tân Cương. (Ảnh: T.V)

Bước chân vào đây, các đại biểu quốc tế đã lần lượt tham quan hệ thống 5 phòng trưng bày và giới thiệu về văn hóa các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt), nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y), 3 nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao (Hmông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La).

Lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng, Đại sứ Angola tại Việt Nam Joao Manuel Bernardo ấn tượng trước những điểm nhấn sinh động tại mỗi không gian về các dân tộc Việt Nam. Theo ông, với kiến trúc hài hòa, hoạt động giới thiệu gắn kết hiện vật trưng bày đã giúp khách thăm qua có cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa vùng miền các dân tộc tại Việt Nam. Không chỉ được thưởng thức múa rối nước, múa đội nước của người Chăm, bản nhạc Ngũ âm của người Khmer, sáo của người H’Mông…, đoàn đại biểu quốc tế còn tham gia trồng cây lưu niệm tại Bảo tàng.

Thưởng trà ở vùng đặc sản

Có lẽ, trải nghiệm độc đáo nhất với các vị khách quốc tế chính là cơ hội được thăm quan Làng nghề chè sinh thái Tân Cương. Ở đây, họ đã được tận mắt chứng kiến phương pháp chế biến chè cũng như thuởng ngoạn văn hóa uống trà và cuộc sống thực tế của những người trồng chè.

Tại nhà nghệ nhân tiêu biểu trong vùng, người ta thấy ông Gerald Thomason - Trưởng văn phòng dự án của Tổ chức Latter Day Saint Charities (Mỹ) cùng vợ say sưa khám phá cây chè được trồng trên đất Thái Nguyên. Tới tham quan Không gian Văn hóa trà Tân Cương, họ lại cùng các đại biểu thích thú xem các dụng cụ chế biến chè Tân Cương kiểu cổ ở một nhà trưng bày.

Nằm trên diện tích rộng hơn 2,6 ha, Không gian văn hóa Trà Tân Cương bao gồm nhà trưng bày, khu vực sân khấu biểu diễn và không gian ấm trà tri kỷ. Bằng sự bài trí chuyên nghiệp, các hiện vật, tài liệu được trưng bày sống động và được xếp đặt theo hệ thống để làm nổi bật truyền thống lịch sử, văn hóa về đất và người Thái Nguyên. Những đặc trưng liên quan đến đời sống sinh hoạt cũng như nghề trồng, chế biến chè từ trước đến nay gồm: Chiếc chảo gang 1,5m x 2,3m sưu tầm được ở gia đình ông Bùi Xuân Tiến, xóm Hồng Thái (Tân Cương); những chiếc thạ, dậu, cày, cuốc, rổ, rá; những chiếc nón Tày (Định Hóa), tàu lá cọ che đầu khi hái chè (Phú Lương)…

Ông Gerald Thomason cũng chia sẻ: “Trước đây, tôi được một vài người bạn Việt Nam giới thiệu về trà Thái Nguyên là một trong những trà ngon nhất ở Việt Nam. Và hôm nay, nhờ chuyến du xuân mà tôi có cơ hội được thưởng thức”.

Mở những cơ hội hợp tác

Vui mừng được đón bạn bè quốc tế, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu về những tiềm năng hợp tác của tỉnh về kinh tế, thương mại, du lịch. Phát biểu tại buổi giao lưu, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc hy vọng các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ tiếp tục hợp tác có hiệu quả hơn nữa với Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Thái Nguyên với các đối tác của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại đây, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bùi Khắc Sơn nhấn mạnh, chuyến du Xuân là dịp để tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài trao đổi, tìm hiểu các cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực với tỉnh Thái Nguyên. Ông Bùi Khắc Sơn cảm kích trước sự mến khách và đón tiếp nồng hậu của Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong việc tạo cơ hội cho các đại biểu không chỉ khám phá những giá trị rất lâu đời về đất nước và con người Việt Nam mà còn là sự năng động hội nhập của tỉnh, qua đó mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế.

Thay mặt bạn bè quốc tế, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama bày tỏ ấn tượng sâu sắc về những nét đẹp văn hóa cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Ông khẳng định, các cơ quan ngoại giao cùng bạn bè quốc tế sẽ tiếp tục tăng cường, nỗ lực thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam, cũng như dành cho tỉnh Thái Nguyên những tình cảm đặc biệt.

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/du-xuan-huu-nghi-o-thai-nguyen-67826.html