Du xuân đầu năm về với chợ phiên đặc biệt để 'mua may mắn'

Mặc dù còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa mới diễn ra Lễ khai hội, nhưng chợ Viềng Nam Định đã thu hút đông đảo du khách về đây trước 'giờ G'.

Chợ Viềng thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là một chợ phiên thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến với Lễ khai hội.

Hội chợ Viềng chỉ họp phiên một lần duy nhất trong năm. Đặc biệt, chợ Viềng họp vào đêm mùng Bảy, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Phapluatplus.vn, ngày từ đầu giờ chiều ngày 22/2 (tức mùng 7 tết âm lịch), các ngả đường dẫn về trung tâm Khai hội Chợ Viềng, Nam Định 2018, mật độ đoàn người về đây càng ngày càng đông. Các lực lượng chức năng địa phương đã được huy động tối đa để phân luồng giao thông, cũng như đảm bảo an ninh trật tự trọng suốt quá trình diễn ra Lễ hội.

An ninh trật tự, cũng như an toàn giao thông được các lực lượng CSGT và CSCĐ bố trí đảm bảo trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Ngay từ sớm, dòng người đông đúc đã đổ về trung tâm Hội chợ Viềng để mua sắm.

Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng được nhiều người biết đến nhất là Viềng Phủ và Viềng Chùa họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau (đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, v.v...) ở gần đình thờ tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không.

Nguyên bản trước kia chợ Viềng bán các đồ nông cụ, đồ cũ không dùng đến với ý nghĩa tâm linh là bán cái rủi - mua cái may. Trải qua những thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về bộ hành, du xuân.

Những mặt hàng nông sản, gia dụng đơn giản được bày bán dọc hai bên đường tại Hội chợ.

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc đông nhất vẫn là người nội tỉnh sau đến khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đổ ra.

Khắp các tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình đổ về đông nườm nượp. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về. Nên dù có xa mấy, tận bên kia Ðại Dương, tận Sài Gòn lục tỉnh... cũng nhớ ngày về để dự hội.

Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt.

Cây cảnh cũng là một trong những mặt hàng thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.

Bên cạnh đó, Hôi chợ Viềng còn bày bán các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…du khách còn có thể tìm thấy ở đay những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

Ngoài ra, còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Ðó là thịt bò non. Nói đúng ra là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ, khách mua ai thích phần nào có thể tùy chọn, mà giá lại rất phải chăng, hợp với túi tiền của "người nhà quê".

Thịt Bò là món ăn đặc trưng được bày bán dọc tuyến đường vào hội chợ.

Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... được xây dựng từ thứ kỷ 19 cách đây hàng trăm năm.

Các di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng là "di tích lịch sử văn hóa". Cụm di tích này chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh - một nhân vật văn hóa dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết, Bà được dân gian phong Thánh, vừa được sắc phong như Thần, vừa được coi như bà Chúa, cô Tiên...

Ðiều quan trọng hơn cả là sự tích và hình tượng bà Chúa Liễu đã đi vào tâm thức và trở nên bất tử trong lòng mọi người dân trong vùng. Cho nên dù là người bản địa hay khách thập phương về đây không chỉ đi dự hội chợ Viềng mà còn để đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân.

Đại Vinh Chương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/du-xuan-dau-nam-ve-voi-cho-phien-dac-biet-de-mua-may-man-d64245.html