Dư vị trung thu thơ ấu ở quê nghèo

Năm tháng sau này, mỗi lần nhớ lại những đêm trăng tròn thơ ấu, ta mới thấy chúng đáng giá đến chừng nào. Bao điều đơn sơ, ấm áp khi ấy, giờ đây còn đâu để tìm lại.

Cuối tháng 9 dương lịch, nếu là năm nhuận thì phải sang tháng 10 mới đến Tết Trung Thu, nhưng cái không khí của đêm trăng rằm thì đã đến từ trước đó lâu lắm rồi. Giống như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu là một dịp lễ hiếm hoi khiến người ta náo nức lạ lùng.

Từ giữa tháng 7, bước ra phố đã thấy cái dịu dàng của Tết “trông trăng” đang thư thả bước tới thật gần. Các quầy bán bánh trung thu đã được dựng lên ở khắp phố lớn, phố nhỏ. Biển hiệu đủ màu cứ thế đua nhau khoe sắc. Trẻ nhỏ rả rích nếm vị ngọt ngào của những chiếc bánh xinh xẻo suốt cả tháng trời.

Nói đến đây lại nhớ tới mỗi dịp đầu tháng Chạp khi Tết còn lâu mới đến mà cánh đào đã kịp thắm, quất đã lúc lỉu trên cành như mời gọi. Các bà, các mẹ đã rủ nhau mua gạo nếp và đỗ xanh để kịp gói bánh chưng, cứ như thể năm mới đã về gần lắm.

Chính lễ thì có một vài ngày, nhưng cái không khí xôn xao, nhộn nhịp để chuẩn bị thì cứ phải kéo dài ra cả tháng. Có phải vì vậy mà hai cái Tết này trở nên đặc biệt hay không?

Những chiếc bánh nướng tròn như mặt trăng đã trở thành linh hồn của ngày tết trung thu.

Những chiếc bánh nướng tròn như mặt trăng đã trở thành linh hồn của ngày tết trung thu.

Lại nói về bánh trung thu, nếu đi khắp các dãy phố dài đang dựng không biết bao nhiêu quầy hàng đỏ đỏ, vàng vàng đủ màu để lựa bánh, chắc chắn không ít người sẽ cảm thấy bối rối không biết lựa chọn ra sao. Những chiếc bánh tròn tròn, xinh xinh như trăng rằm giờ đã có muôn hình vạn trạng khiến người ta không khỏi hoa mắt.

Ngoài bánh trung thu truyền thống với vị ngầy ngậy của lạp xưởng, mỡ phần; thơm thơm của lá chanh, mằn mặn của thịt xá xíu… người ta có vô vàn lựa chọn khác. Bên ngoài cái vỏ bóng bẩy như trăng rằm là một thế giới phong phú của trăm ngàn vị ngọt ngào khác nhau. Mỗi mùa trung thu đến người ta lại nghĩ ra một thứ dư vị ngọt ngào khác nhau để nuông chiều thú vui ẩm thực thanh cảnh và tao nhã mỗi độ thu về.

Mấy năm trở lại đây, dường như đã ngán cái vị mặn thơm của trứng muối, người ta lại nghĩ ra bánh trung thu nhân mứt. Những thứ quả trước kia còn xa lạ như việt quất, phúc bồn tử, dâu tây, đều được chế biến thành thứ mứt dẻo và ngọt để đưa vào trong chiếc bánh mặt trăng vẫn còn mang nhiều nét truyền thống ấy.

Mấy hàng bánh ngọt, cũng tranh thủ thời cơ nghĩ ra đủ loại bánh trung thu mới lạ như: bánh trung thu bông lan với vỏ bằng bột mì thay cho bột nếp, bánh trung thu bằng thạch rau câu man mát trôi tuột vào cổ họng hay bánh trung thu kem lạnh với vị ngọt của đường sữa mà buốt tận chân răng…

Những chiếc bánh bằng thạch thơm mát làm phong phú thêm cho ngày tết trung thu hiện đại.

Nếm đủ thứ bánh trung thu với cái thanh sắc tân thời, nhưng không hiểu tại sao khi vị ngọt ngào mang chút hời hợt ấy trôi khỏi đầu lưỡi tôi lại cảm thấy chúng nhàm chán và vô vị, mà nói thẳng ra là không ngon lành như tôi hình dung. Kể ra thì bạn bè tôi chỉ cười, họ nói rằng: chắc do bây giờ được ăn nhiều bánh ngon thành ra nhanh ngán. Nhưng tôi không nghĩ vậy…

Tôi vẫn nhớ cái vị thơm ngọt của chiếc bánh trung thu được ăn thuở bé. Nhân bánh chỉ có mỡ phần, một ít lạp xưởng, chỉ điểm xuyết một chút sắc đỏ, y hệt như cách người ta cho ớt vào món nộm, thêm vào đó là mỡ phần và chút lá chanh… nhưng không hiểu sao vẫn ngon tới miếng cuối cùng.

Ngay cả sang ngày mười sáu, mười bảy âm, có nghĩa là Tết Trung thu đã đi mất, mấy đứa trẻ chúng tôi vẫn thấy vui vì nhà còn bánh. Cả lũ cứ thế vây lấy bà, đòi bà cắt bánh cho ăn. Trung thu qua rồi, không còn phải để dành bánh để thắp hương hay đem đi biếu, bà hồ hởi cắt bánh cho mấy đứa cháu nhỏ, mắt hiền từ nhìn những lũ quỷ ăn bánh ngon lành.

Không như bánh chưng hay mứt Tết, bánh trung thu phải được tạo hình trong khuôn rồi nướng rất kì công. Trước kia, lò vi sóng và lò nướng không phổ biến, nhất là ở vùng quê, nên ai cũng phải đi mua bánh cho con phá cỗ.

Khi ấy, ở cái thị trấn nhỏ của tôi, bánh chỉ được bán từ đầu tháng tám âm, nhưng mỗi lần đi học về, những đứa trẻ đều háo hức nhìn ngắm những hộp bánh đỏ đỏ, vàng vàng được bày trong các quầy hàng.

Trong bữa cơm, cứ mỗi lần nhìn thấy quảng cáo bánh trung thu trên ti vi, chúng tôi lại háo hức hỏi mẹ: “Hôm nay là mùng mấy âm rồi hả mẹ?”. Cứ thế, tâm hồn con trẻ vừa hân hoan, vừa nôn nóng đếm ngược đến trung thu.

Không chỉ có những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm phức dịu dàng nhắc chúng ta về trung thu. Những quả thị thơm thảo, mộc mạc cũng có một cách rất riêng để gợi cho ta nhớ về ngày tết đặc biệt ấy.

Không giống như ổi hay bưởi, có thể ra quả trái mùa, chỉ khi vào thu người ta mới thấy cái màu vàng đầy mơ màng của những quả thị tròn trịa.

Quả thị thơm gắn liền với hình ảnh cô Tấm thảo hiền là hình ảnh đẹp về trung thu ở làng quê.

Ngày còn bé, trong vườn của bà cụ hàng xóm nhà tôi có một cây thị rất sai quả. Những quả thị tròn căng, cứ thế lúc lỉu trên cây nhìn rất đã mắt. Nhưng nghe người lớn nói rằng dưới gốc cây thị rất thơm nên hay có ma lảng vảng ở đó. Nói đến ma, lũ trẻ chúng tôi co rúm lại, chẳng đứa nào dám lại gần gốc thị… Lớn lên mới biết, do bà cụ sống một mình, vườn tược không ai dọn dẹp nên hay có rắn rết, người lớn sợ chúng tôi bị rắn cắn nên mới hù dọa như thế.

Tôi tình cờ thấy hình ảnh một cô sinh viên ăn bánh trung thu một mình trên mạng xã hội. Và chợt nhớ lại hình ảnh của mình nhiều năm về trước khi lần đầu tiên xa nhà, bơ vơ nơi phố thị, một mình tận hưởng trung thu của người lớn. Trung thu mà không được đoàn viên.

Trung thu là tết của trẻ con, lớn rồi nên ta thấy trung thu đã khác đi, âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dư vị của ấu thơ, của những miếng bánh, của hương thơm trái thị, của những kỷ niệm trong veo... vẫn cứ vấn vương, và theo ta mãi.

Theo Zing

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/van-hoa/du-vi-trung-thu-tho-au-o-que-ngheo