Dư vị Tết miền Tây của nhà văn Hoàng Khánh Duy: '365 ngày chân lưu lạc khắp nơi chỉ mong ngày đoàn viên'

Là nhà văn trẻ nổi tiếng với những tác phẩm về miền Tây sông nước, Hoàng Khánh Duy đã có rung động chân thật, sâu sắc về mùa đoàn viên tại quê nhà. Tết miền Tây, là tiếng nói cười rổn rảng, là những món ngon đậm vị, là nghĩa tình hào sảng, chất phác.

Hoàng Khánh Duy là một trong những thành viên trẻ nhất Hội nhà văn TP. Cần Thơ. Từ một cậu bé say mê học Văn, viết văn, viết linh tinh những bài thơ và những câu chuyện vụn vặt, cậu đã trở thành nhà văn và hiện đang giảng dạy tại một trường THPT.

Người ta nói văn của Duy chân thực, mượt mà, dung dị như cái chất con người miền Tây. Miền Tây, là "kho tàng" câu chuyện, chất liệu rất đỗi đời thường để cậu khai thác. Tết miền Tây cũng rộn ràng những niềm vui, tình cảm ấm áp, để những người con xa quê tìm về để thỏa bao nhớ thương.

Những sáng tác của Duy có chất liệu, câu chuyện, con người đều gắn với miền Tây sông nước. Điều này có ý nghĩa thế nào với bạn?

Những sáng tác của Duy có chất liệu, câu chuyện, con người đều gắn với miền Tây sông nước. Điều này có ý nghĩa thế nào với bạn?

Dòng chảy của văn hóa, thiên nhiên, con người… miền Tây luôn tràn đầy trong lòng mình. Là người con của mảnh đất này, mình mong muốn dùng ngòi bút để vẽ ra những hình ảnh tuyệt đẹp về miền Tây quê mình, mượn đôi cánh văn chương đưa đến bạn bè trong nước. Viết về quê hương luôn là điều mà mình tâm đắc nhất bởi mình am hiểu về nó, yêu thương nó.

Và bạn cũng sẽ hỏi rằng: Liệu có lặp lại hình ảnh quê hương miền Tây trong những sáng tác của mình hay sáng tác của thế hệ nhà văn hôm nay sinh ra tại mảnh đất miền Tây hay không? Mình cũng xin trả lời: Miền Tây của mình đẹp lắm, có viết bao nhiêu cũng chưa thể thu hết hồn cốt của đất và người nơi này được đâu!…

Nhà văn trẻ mang đến luồng gió mới cho văn đàn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người cho rằng một số nhà văn trẻ đang không tìm được lời giải cho bài toán số lượng và chất lượng. Tức là tác phẩm ra dày đặc, nhưng nội dung không thật sự chất lượng như lúc ban đầu. Duy nghĩ sao về vấn đề này?

Thật ra khi nghiêm túc với văn chương thì người viết sẽ ý thức được chất lượng tác phẩm. Chữ “chất lượng” đối với riêng Duy không phải là đạt được giải cao, được khen ngợi, tung hô, PR rầm rộ… Mà “chất lượng” nghĩa là viết bằng con tim, bằng xúc cảm của bản thân không gượng ép, không “gồng”, mọi thứ nhẹ nhàng như hơi thở.

Và “chất lượng” cũng như sự thành công của người viết đối với bản thân mình là tác phẩm ra đời sẽ thỏa mãn được chính mình, mình hài lòng vì đã chia sẻ những trăn trở, khao khát, ấp ủ bằng ngôn từ nghệ thuật. Bên cạnh đó, nhận được những tin nhắn đồng cảm với tác phẩm của mình đã là hạnh phúc lắm rồi chứ không phải được vinh danh, được giải cao mới là thành công, “chất lượng”.

Với mình, níu được trái tim người đọc là điều tuyệt vời nhất. Còn với tác phẩm của Hoàng Khánh Duy, do xuất phát điểm của mình là một sinh viên ngành văn, giờ là GV Ngữ văn và học viên Thạc sĩ nghiên cứu văn học nên về mặt câu chữ có lẽ không phải là điều mà các bạn quá âu lo, ngờ vực, vì mình luôn đến với văn học bằng tình yêu chứ không phải để mưu sinh hay tìm tiếng tăm danh vọng. Có câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ” mà ! ^^

Với Tết miền Tây, điều gì làm bạn nhớ nhất, hay câu chuyện nào đã đi theo bạn suốt thời ấu thơ?

Tết miền Tây tuyệt với lắm, mình buồn vì các bạn trẻ (chỉ số ít thôi) mải mê ăn Tết đô thành mà không dành thời gian về bên những người thân thuộc, về chốn quê nghèo để được ôn lại cái Tết năm xưa.

Tết trong tim mình là hình ảnh cả nhà ngồi quây quần bên mấy món mứt làm dang dở: mứt gừng, mứt dừa,… toàn tự tay làm cả. Tết thì xúng xính quần áo đẹp, cả đám trẻ con năm nào đi chúc Tết từng nhà, nói cười rộn rã. Giờ bọn mình mỗi đứa một cuộc sống riêng, một hướng đi riêng. Mình nhớ tuổi thơ, nhớ đám bạn, nhưng cuộc sống đổi thay rồi. Mình mong Tết này gặp lại chúng mình vẫn sẽ là “chúng mình” của ngày xưa, kí ức vẫn ở đó không đổi dời đi đâu được.

- Đối với Duy, Tết có ý nghĩa đặc biệt như thế nào?

Tết là dịp để mình về nhà. 365 ngày chân mình lưu lạc khắp nơi rồi, công việc, cuộc mưu sinh và đuổi theo giấc mơ khao khát đã khiến mình xa quê, nhớ quê thật nhiều. Những ngày Tết để mình ở quê nhà đón xuân cùng gia đình, để được sống trong không khí đầm ấm, tuy vụng về nhưng mình vẫn nấu vài ba món cho ông bà, cho người thân yêu. Tết để mình nhận ra gia đình là điều tuyệt vời nhất. Tết để mình nhận ra dù có đi đâu thì quê hương vẫn chiếm vị trí không đổi trong trái tim mình.

- Bạn nghĩ thế nào về đoàn viên? Và ở thời đại công nghệ, sự phát triển của xã hội, việc sum vầy mỗi dịp Tết, theo bạn, nó có còn thực sự quan trọng?

Đoàn viên, đoàn tụ, sum vầy thì còn gì tuyệt vời hơn. Ở thời đại quây cuồng như vũ bão, đoàn viên đôi khi là giấc mơ xa xỉ của nhiều người. Mình muốn cảm ơn Tết đã cho mình thấy rằng đoàn viên không còn là giấc mơ nữa và nó đáng quý vô cùng. Mình muốn nói rằng: Dù có đi đâu chăng nữa thì gia đình, quê hương vẫn là chỗ dựa vững chắc, vẫn là nơi đón đợi ta về trong hạnh phúc yêu thương.

- Mỗi con người đều có cái Tết thiêng liêng trong tim mình. Duy có thể phác thảo bức tranh ngày Tết trong bạn không?

chợ Tết miền Tây

Tết trong hình dung của mình là cảnh quê hương trong nắng mai ấm áp, trước sân nhà cây mai ông trồng đã được bọn trẻ hái lá từ trước đợi ngày 30 bung bở hoa vàng, đêm giao thừa bà gói bánh Tét phương Nam, đám con cháu quây quần nghe bà kể chuyện, canh lửa bánh Tét.

Ngày Tết gia đình ăn bữa cơm với những món truyền thống của người Việt Nam, chúc tụng ông bà, làng xóm, nói với nhau những điều tốt lành nhất trong cuộc đời. Và bao giờ trên bàn thờ gia tiên cũng thơm nồng hương hoa. Có lẽ mình hướng nội nên mình vẫn yêu những giá trị cổ truyền, vẻ đẹp của Tết xưa hơn là Tết hiện đại.

Khải Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/du-vi-tet-mien-tay-cua-nha-van-hoang-khanh-duy-20210115172837380.html