Dư trăm lệnh, Mỹ không tìm được gì để trừng phạt Nga

Trong 10 năm qua, việc ban hành tới cả trăm lệnh trừng phạt Nga khiến Mỹ đến nay không còn tìm nổi đối tượng nào để trừng phạt tiếp.

Mỹ không còn gì điền vào danh sách trừng phạt Nga

Mới đây, giới chức Washington thừa nhận rằng, Mỹ không còn đối tượng nào ở Nga để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Robert O'Brien thừa nhận vào hôm 16/10 rằng, Nga không còn gì để có thể trừng phạt.

"Vấn đề với người Nga là ở đó thực tế không còn gì để trừng phạt" - cố vấn an ninh O'Brien phát biểu tại Viện Aspen.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó tuyên bố rằng, lập trường của Mỹ trong các lệnh trừng phạt là muốn kìm hãm sự phát triển của Nga trên mọi lĩnh vực và đây cũng là yếu tố để hạn chế sự hợp tác của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với Moscow.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, trái với những cáo buộc về việc ông Trump “thông đồng với Nga” hay “là gián điệp của Nga”, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, hầu hết tất cả các loại hạn chế và trừng phạt khác nhau đã được áp đặt lên Liên bang Nga.

Tính tổng cộng, trong thời gian từ 2017 đến nay, chính quyền Washington đã 46 lần đưa ra quyết định về các lệnh trừng phạt mới hoặc mở rộng các lệnh trừng phạt đã có.

Một trong số các lệnh trừng phạt đáng phẫn nộ nhất là mới hồi cuối tháng 8, Mỹ đã trừng phạt 5 viện nghiên cứu của Nga, vì cáo buộc các cơ quan này làm việc về vũ khí hóa học và sinh học, một trong số đó là Viện Nghiên cứu trung ương số 48 của Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan cùng với Trung tâm mang tên Viện sĩ Gamaleya, đã tạo ra vắc-xin chống coronavirus.

Mỹ là ‘khách không mời’ ở Syria nhưng lại đang trừng phạt cả "chủ nhà" Syria và ‘khách quý’ Nga

Mỹ là ‘khách không mời’ ở Syria nhưng lại đang trừng phạt cả "chủ nhà" Syria và ‘khách quý’ Nga

Cuối tháng 9, Hoa Kỳ đã thêm tám người Nga và người nhập cư từ Liên bang Nga vào danh sách trừng phạt, cũng như 7 tổ chức ở Nga và Phần Lan. Theo giải thích, các biện pháp trừng phạt được áp đặt liên quan đến tội phạm mạng, can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và tình hình ở Ukraine.

Gần đây, Mỹ cũng đã đưa ra các dự luật về các lệnh trừng phạt có liên quan đến Nga trong dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) hay “vụ đầu độc Navalny” hoặc “âm mưu thông đồng với Taliban”.

Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm các lệnh trừng phạt mới nhắm vào chính quyền của ông Putin. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đang đau đầu tìm đối tượng trừng phạt bởi sau hàng trăm lệnh trừng phạt từ 2014 đến nay, Mỹ đã không còn đối tượng nào để đưa vào danh sách.

10 năm và trăm lệnh trừng phạt

Theo một thống kê của nhà chức trách Moscow hồi tháng 11/2018, trong 8 năm (tính từ năm 2011 đến 2018), Mỹ đã 62 lần đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga trong nhiều vụ việc, trên tất cả các lĩnh vực, nói tóm lại là về bất cứ cái gì Mỹ có thể tìm được cái cớ.

Trong 10 năm nay, với số lệnh trừng phạt lên tới con số hàng trăm như vậy, thật dễ hiểu là vì sao hiện nay chính quyền Washington không thể tìm nổi một đối tượng ở Nga để trừng phạt.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Nga phát chán

Những đối tượng bị trừng phạt ban đầu là lãnh đạo và quan chức cao cấp Nga, cùng với các công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước; sau đó hạ thấp dần xuống các quan chức và doanh nghiệp cỡ vừa, rồi đến các doanh nhân và công ty cấp thấp, thậm chí là có đối tượng bị trừng phạt mà nêu tên ra không ai biết đã làm gì.

Giới phân tích Nga còn mỉa mai rằng, có lẽ sau này những người quét rác hay ăn xin của Nga cũng sẽ trở thành đối tượng bị trừng phạt!

Theo nhận định của Điện Kremlin, những hành động cuồng dại như vậy chẳng có gì mới và Nga đã quá nhàm chán với những danh sách đen mà Mỹ đều đều đưa ra. Những biện pháp trừng phạt của Nhà Trắng cũng cho thấy sự bất lực hoàn toàn của Washington trước Moscow.

Moscow hiểu nguyên nhân sâu xa của các biện pháp trừng phạt này liên quan tới chính sách răn đe của Mỹ đối với Nga, vì lo sợ sự trỗi dậy của nước Nga hùng mạnh và sự hình thành một thế giới đa cực, khiến Mỹ mất vị thế độc tôn trên chính trường quốc tế.

Ngoài ra, đương nhiên là hành động này cũng xuất phát từ cả mớ những bất đồng chính trị nội bộ và bất ổn kinh tế ở Hoa Kỳ, khiến cả chính quyền Donald Trump và người tiền nhiệm của ông ta là Barak Obama buộc phải “chuyển lửa ra nước ngoài”, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế vào thực trạng tồi tệ của nước Mỹ.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/du-tram-lenh-my-khong-tim-duoc-gi-de-trung-phat-nga-3420775/