Dự toán ngân sách nhà nước 2017: Thu 1.199,6 tỷ đồng, bội chi 3,5% GDP

Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện NSNN năm 2016, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Mức tăng thu nội địa 14% trong năm 2017 có thể là thách thức lớn cho ngành Tài chính. (Ảnh: H.V)

Trong đó, Chính phủ dự kiến tăng trưởng thu NSNN năm 2017 hơn 16%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là động thái tích cực song Chính phủ cũng cần tính toán kỹ để điều hành chủ động và đảm bảo an toàn trong cân đối chung.

Theo dõi sát hơn nguồn thu

Năm 2016 là năm nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng; giá dầu, khí tiếp tục giảm và thấp hơn so với dự toán; tình hình thiên tai, dịch bệnh; ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở một số tỉnh khu vực miền Trung; số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh còn lớn; tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch,… Bối cảnh đó đã có những tác động không thuận lợi đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN.

Không chỉ vậy, những yếu tố chủ quan cũng mang tới tác động lớn không kém. Có thể kể đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 đặt ra với mức phấn đấu cao đã được tiên lượng có rủi ro từ khi giao nhiệm vụ, khó thực hiện được và trên thực tế có khả năng không đạt kế hoạch (chỉ đạt 6,3-6,5% thay vì 6,7%). Nguyên nhân có phần do công tác dự báo, phân tích chưa sát thực tế. Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần phải đánh giá mức tăng trưởng sát thực tế hơn, từ đó xác định khả năng thu NSNN khả thi hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, Trong 9 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 70,8% (cùng kỳ đạt 74,9%); tổng chi NSNN ước đạt 68,4% (cùng kỳ là 71,8%). Tổng thu NSNN cả năm 2016 ước tính tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa có thể tăng 5,6% dự toán; thu từ dầu thô ước chỉ đạt 72,5% dự toán; thu từ xuất nhập khẩu hụt 2,9% dự toán.

Nêu ý kiến thẩm tra báo cáo này, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, ước thực hiện tổng thu NSNN vượt dự toán đã thể hiện những nỗ lực cao trong điều hành dự toán thu NSNN của Chính phủ, nhưng qua các số liệu chi tiết và qua kết quả giám sát tại một số địa phương cho thấy còn rất nhiều khó khăn, thách thức mới có thể phấn đấu đạt mức dự ước như Chính phủ báo cáo.

Đưa ra một số đề nghị, đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng: Chính phủ cần bám sát dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 về Dự toán NSNN năm 2016. Vì qua thực tế giám sát tại các địa phương và một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty cho thấy còn rất nhiều khó khăn do số tăng thu thực tế từ kết quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ là không cao. Chính phủ cần phải tiếp tục theo dõi sát, có những giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự toán thu một cách chắc chắn hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù thu nội địa tăng so với dự toán (5,6%, tương đương 44.000 tỷ đồng) nhưng trên thực tế, các khoản tăng chủ yếu là do điều chỉnh chính sách, tăng thu từ đất đai. Điều này cũng thể hiện rõ sự tăng trưởng kinh tế chậm, không đồng đều ở các lĩnh vực, còn khó khăn ở khu vực DNNN. Số liệu cụ thể cho thấy, để đạt được số ước thực hiện như Chính phủ báo cáo thì thu NSNN quý IV sẽ phải nỗ lực rất lớn, nhất là đối với khu vực DNNN. Nhiều ý kiến cho rằng, số thu tiền bán cổ phần của Nhà nước tại các DN trong 9 tháng đầu năm chậm (chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng) nhưng vẫn ước thực hiện cả năm đạt 30.000 tỷ đồng là rất khó khăn.

Thời gian qua cũng như những tháng cuối năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp tích cực trong điều hành NSNN, tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, về tổng thể số nợ đọng thuế còn cao, số thuế có khả năng thu hồi lớn, tại thời điểm 30-6-2016 tăng 1,8% so với thời điểm 31-12-2015. Điều này phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN vẫn còn khó khăn, mặt khác, cho thấy Chính phủ cần tăng cường quản lý hành thu, chỉ đạo các cơ quan hữu quan tập trung chống thất thu ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, chống chuyển giá, nợ đọng thuế.

Cân nhắc kỹ tránh rủi ro

Dự toán cho 2017, Chính phủ đã đưa ra một số cân đối lớn. Cụ thể: Tổng thu cân đối NSNN năm 2017 dự kiến là 1.199,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 16,7% so với ước thực hiện năm 2016. Trong đó, thu nội địa là 977,7 nghìn tỷ đồng; thu dầu thô là 38,3 nghìn tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 180 nghìn tỷ đồng; tổng chi NSNN năm 2017 dự kiến khoảng 1.377,9 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN năm 2017 dự kiến 178,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% GDP. Dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2017 khoảng 1.607,15 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 31,5% GDP. Trong đó, vốn đầu tư từ NSNN khoảng 352,15 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 67 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2%; vốn đầu tư khu vực DNNN khoảng 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,1%; vốn đầu tư của dân cư và DN tư nhân khoảng 750 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm phần đóng góp trong nước) khoảng 303 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,9%; các khoản vốn huy động khác khoảng 5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3%. Về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2017, Chính phủ dự kiến ký kết khoảng 4,7 tỷ USD, giải ngân khoảng 5-5,2 tỷ USD. Số vốn giải ngân được cân đối một phần vào NSNN, một phần cho vay lại thông qua các tổ chức tài chính.

Có thể nói, mức dự toán được Chính phủ xây dựng khá tích cực, song sẽ đem lại nhiều thách thức.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, thu nội địa 19,5% so với ước thực hiện năm 2016, nếu trừ số thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại DN, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế thì thu nội địa tăng ở mức 14% là mức tăng khá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, có thể gây rủi ro trong cân đối. Đặc biệt, đối với khu vực DNNN tăng thu 8% là khó khăn, vì trong những năm gần đây, mức tăng bình quân của khu vực DN này chỉ vào khoảng 4-5%; tương tự, đối với thu ngoài quốc doanh dự toán tăng 20% là mức tăng tương đối cao. Ông Hải cho rằng: Chính phủ cần tính toán kỹ, bảo đảm tính chủ động trong điều hành NSNN.

Về bội chi NSNN, Chính phủ dự toán năm 2017 khoảng 3,5%GDP theo Luật NSNN năm 2015 cũng là một mức tích cực, cần kiên định thực hiện mức bội chi này để bảo đảm các tỷ lệ nợ công trong giới hạn an toàn, trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, không tăng bội chi NSNN. Trường hợp tăng thu NSNN thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN. Đây cần được coi là một nguyên tắc quan trọng trong điều hành NSNN trong giai đoạn ổn định ngân sách mới 2017-2020.

Tham gia ý kiến vào dự toán chi NSNN 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần cơ cấu lại các khoản chi NSNN, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm; rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết; tập trung nguồn để bố trí tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, tăng chi trả nợ trực tiếp của NSNN. Ông Hiển cũng đề nghị ưu tiên một số nội dung chi về giáo dục, y tế, tăng lương 7%…

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách 2016 cũng như chuẩn bị thực hiện dự toán 2017, Chính phủ đã hoạch định ra nhiều biện pháp. Trong đó nhấn mạnh việc sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NSNN 2015 làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng dự toán NSNN năm 2017 cũng như cho thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN.

Đặc biệt, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh ở Trung ương và địa phương; tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu,…

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-2017-thu-1-1996-ty-dong-boi-chi-35-gdp.aspx