Đủ thứ mê tín cùng lễ cứu hộ mặt trời, mặt trăng thời Lê Trung hưng

Tháng 7 năm Bính Tuất (1586) 'mặt trăng có quầng đỏ, bóng sáng lờ mờ, sắc như máu. Các nhà chiêm tinh đoán tai biến ứng vào điềm bậc phi hậu chết'. Tháng sau, bà phi Ngọc Bảo chết.

Những hiện tượng mà với trình độ khoa học, kiến thức về tự nhiên dạo xưa còn yếu kém, tin nhiều vào thiên mệnh, nên những gì thần bí không giải thích được, thì đều quy vào một thế lực thần linh nào đó. Như thời Lê Trung hưng, sử cũ ghi lại nhiều sự huyễn hoặc, mê tín mà với khoa học ngày nay cho thấy, đều là những điều phi thực. Có thể dẫn ra nhiều sự việc như thế dạo ấy.

Việc lạ trở thành việc linh dị

Năm Nhâm Thân (1572) vua Lê Anh Tông tế Nam Giao. Khi làm lễ Đại Việt sử ký tục biên ghi “vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất”. Cho là điềm xấu, vua đổi niên hiệu từ Chính Trị sang Hồng Phúc. Tin vào khoa địa lý, vua Lê dạo tháng 2 năm Tân Hợi (1731) ra lệnh “triệt bỏ các xưởng mỏ mới xây dựng ở Thanh Hóa. Vì Thanh Hóa là đất long hưng, không nên đào xẻ núi đồi [e hại long mạch] nên lại nói rõ lệnh cấm ấy”. Giữ gìn long mạch là thế, nhưng vua Lê dạo đó chỉ có hư vị chứ đâu giữ được thực quyền.

Thấy những hiện tượng tự nhiên bất thường, dân gian đến triều đình cho là những việc linh dị. Do đó năm Nhâm Ngọ (1582) ở xã Đồng Hồi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có tảng đá trắng to ở dưới biển trồi lên (Tục biên dịch là “nhảy lên”) cách mép nước 15 trượng, người dân cho là linh dị, lập đền thờ hòn đá ấy. Đến như rồng là con vật chỉ có trong trí tưởng tượng, nhưng vì biểu tượng cho thần quyền, cho vua nên mới có chuyện được sử ghi lại là năm con rồng xuất hiện trước lầu Ngũ Long năm Mậu Thân (1728), rồng đen hiện ở phương Đông dài tám, chín thước năm Nhâm Tý (1732)…

Thầy địa lý xem mạch đất.

Thầy địa lý xem mạch đất.

Hiện tượng sao Chổi là hiện tượng tự nhiên bình thường, nhưng sao Chổi trong tâm lý người dân và triều đình luôn gắn với việc xấu mỗi khi nó xuất hiện. Bởi thế không lạ khi Tục biên cho biết cuối năm Đinh Sửu (1577) khi có sao Chổi mọc “trỏ thẳng hướng đông nam, tua sáng dài đến 40 trượng, sắc hồng và tía ánh nhau, người người đều kinh hãi”, còn vua Lê Thế Tông thì đổi niên hiệu. Hay ngày Quý Mão tháng 7 năm Bính Tuất (1586) xảy ra hiện tượng “mặt trăng có quầng đỏ, bóng sáng lờ mờ, sắc như phun máu. Các nhà chiêm tinh đoán là tai biến ấy ứng vào điềm bậc phi hậu chết”. Chẳng biết ứng nghiệm đến đâu, nhưng ngày 17 tháng sau, bà phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo (chị chúa Nguyễn Hoàng, con Nguyễn Kim, vợ Trịnh Kiểm) chết cháy khi kinh thành Thăng Long bị hỏa hoạn.

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính thẳng thừng phê phán “Dùng tinh tú mà đoán họa phúc nhất sinh của người đời, thực là một sự viển vông, không lẽ nào đủ làm bằng cứ cho tin được”. Thế nhưng ngày ấy, cứ mỗi khi sao sa, nguyệt thực, nhật thực là hoặc triều đình ân xá, hoặc vua đổi niên hiệu vì lo bị trời quở phạt. Như năm Canh Thân (1680), Việt sử cương mục tiết yếu có ghi sao Chổi mọc, vua Lê Hy Tông liền đại xá, đổi niên hiệu. Tháng 7 năm Ất Tỵ (1719) Tư thiên giám quan sát thấy “mặt trăng xâm phạm địa phận sao Kim” liền xin vua đổi niên hiệu. Rồi ngày 18 tháng 9 năm Quý Mão (1723) khi thấy sao Chổi xuất hiện ở địa phận sao Nữ, chúa Trịnh liền “đích thân làm bài cáo văn cúng tạ, giảm đồ ăn, bỏ ca nhạc”…

Sử xưa nhiều lần ghi việc rồng hiện dù con vật này không có thật trong thực tế.

Mỗi khi lụt lột, hạn hán, vua chúa cho là không hợp lòng trời, có lỗi lầm, liền cầu đảo để trừ họa. Nên mới có chuyện như tháng 6 năm Ất Hợi (1695) là mùa hạ, trời không mưa, chúa Trịnh liền trai giới cầu đảo trong cung, ngẫu nhiên sao tối hôm ấy trời mưa. Cũng mùa hạ năm Giáp Ngọ (1714) khi trời hạn, chúa Trịnh cầu đảo ở lầu Kính Thiên, hôm ấy trời mưa. Những việc cầu đảo được cho là linh nghiệm, lại càng tăng thêm sự sùng bái tự nhiên vô vi. Khi trời hạn cuối năm Giáp Thìn (1724), triều đình lập tức đình chỉ mọi việc xây dựng… mà chẳng mảy may nghĩ đến việc thời tiết, khí hậu có những biến động, đổi thảy là sự thường.

Cứu hộ mặt trời, mặt trăng lúc nhật thực, nguyệt thực

Việc cứu hộ mặt trời, mặt trăng diễn ra khi có các hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực. Dân gian thì cho rằng nguyệt thực là do “gấu ăn trăng”, còn Bắc Kỳ tạp lục khi đề cập đến cho rằng hiện tượng nhật thực, nguyệt thực là do “thiên thể này nuốt thiên thể kia; và để khiến chúng buông tha con mồi, người An Nam sẽ gây thật nhiều tiếng ồn”.

Ở thời Lê Trung hưng, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực xảy ra nhiều lần được Khâm định Việt sử thông giám cương mục Tục biên ghi lại. Như nhật thực các năm Bính Thìn (1676), Tân Hợi (1731), Giáp Ngọ (1774)… hay nguyệt thực vào các năm Tân Hợi (1731), Quý Dậu (1753), Nhâm Thìn (1772)… Sau khi quan thiên văn xem ngày giờ xảy ra hiện tượng ấy, thì triều đình đến sát ngày, chuẩn bị chu đáo các lễ để cứu hộ. Việc này trong phần “Lễ nghi chí” của Lịch triều hiến chương loại chí có ghi rõ. Chúng tôi theo đó thuật cho bạn đọc được hay.

Trước một ngày khi có nhật thực hay nguyệt thực, vua Lê thực hiện trai giới. Sáng hôm ấy, Thượng thiết ty hướng về phương nhật thực hay nguyệt thực mà đặt án hai vị Hiệu thiên thượng đế và Hoàng địa kỳ ở sân phủ. Quanh án ấy đặt bốn cái tàn hai bên tả hữu, bày hương án ở trước. Hai bên tả hữu hương án đặt bàn bày đinh hương hộp hương, chính giữa hương án đặt vị thượng hương, vị bái đặt về phía nam trước vị thượng hương, vị quán tẩy, thuế cân ở bên hữu vị bái. Chuông trống đặt hai bên tả hữu vị bái chếch về phía nam.

Hiện tượng nhật thực thời xưa không được giải thích theo khoa học mà theo niềm tin vào thần linh.

Công tác chuẩn bị xong, khi có nhật thực hay nguyệt thực quan nội sai vào tâu vua xin làm lễ. Lúc này vua sẽ ngự đến chỗ đã định trước. Quan điển lễ quỳ tâu “Nghệ bái vị”. Rồi tấu “Cúc cung bái” (thực hiện bốn lạy), nhạc nổi lên, đến khi bình thân thì nhạc nghỉ. Lại tâu: “Nghệ quán tẩy vị, quán tẩy, thuế cân, nghệ hương án tiền, quỵ”. Sau đó hai viên bưng hương quỳ dâng hương lên và tâu: “tam nẫm hương, phủ phục, hưng, bình thân, quỵ”. Lúc này quan nội giám quỳ dâng cái trống ở bên tả vua, quan điển lễ sẽ tâu: “Kích cổ tam thanh”, nghĩa là đánh ba tiếng trống. Vua sẽ đánh trống ba tiếng rồi các chuông trống khác cũng đều đánh theo.

Quan lại tấu: “Nhưng quỵ, phủ phục, hưng, bình thân, phục bái vị, các cung bái” (bốn lạy). Nhạc nổi lên, bình thân, nhạc nghỉ. Quan điển lễ quỳ tấu: “Lễ tất”. Các chuông trống lại được đánh như lúc trước cho đến lúc mặt trời hay mặt trăng tròn lại.

Trong khi vua tiến hành lễ cứu mặt trời, mặt trăng thì chúa Trịnh làm lễ ở trong cung. Các quan thuộc phủ Liêu của chúa sẽ đến sân phủ đứng hầu lễ. Ở các xứ thì Ty Thừa và Ty Hiến làm lễ ở nha môn. Trong dân gian khi có hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực thì nồi niêu, trống, thanh la hay vật dụng có thể gây âm thanh được dùng để cứu hộ cho mặt trời, mặt trăng tròn lại. Việc này Việt Nam phong tục còn để lại đôi dòng ở phần “Phương thuật”: “Thuật cứu gấu ăn mặt giời mặt giăng. - Khi mặt giời mặt giăng đen tối, có gấu ăn, e là điềm dở, kẻ đánh trống, người gõ mẹt để đuổi gấu đi”. Trong ba ngày các chợ chốn thị thành không được sát sinh. Người đời dạo ấy nào biết, nhật thực hay nguyệt thực đều là những sự thường của các hành tinh, thiên thể theo chu kỳ và xảy ra trong thời gian rất ngắn.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/du-thu-me-tin-cung-le-cuu-ho-mat-troi-mat-trang-thoi-le-trung-hung-post1016742.html