Dự thảo sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm ATTP có thể tạo dư địa cho nhũng nhiễu?

Đây là góp ý của Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty KAV Lawyers về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP).

Diễn Đàn Doanh Nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty KAV Lawyers về vấn đề này.

- Dưới góc độ Luật pháp, ông có bình luận như thế nào về lần sửa đổi lần này, thưa ông?

Trong bối cảnh những vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) đang trở thành vấn nạn thì việc sửa đổi thay Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP) là điều vô cùng cần thiết.

Hơn nữa, hiện tại hệ thống chính sách, pháp luật cũng có nhiều thay đổi nên việc sửa đổi Nghị định nên cũng đảm bảo sự thống nhất của pháp luật.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi lần này, tôi cho rằng Dự thảo vẫn còn một số điểm không hợp lý, rõ ràng có thể tạo nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng và có nguy cơ tạo ra dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó cho doanh nghiệp.

- Cụ thể, đó là những điểm nào, thưa ông?

Ví dụ, Khoản 5 Điều 6 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại”, thì “chất độc hại” trong quy định này là khái niệm chưa rõ, các chất nào được cho là chất độc hại?

Hay Điểm b Khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi “không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng…”; Điểm a Khoản 2 Điều 13 quy định mức xử phạt với hành vi “không có đủ trang thiết bị, dụng cụ phù hợp”; Điểm b Khoản 2 Điều 13 quy định mức xử phạt với hành vi “không có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng…”, “không có biện pháp quản lý chất thải phù hợp trong khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm…”..., vậy phải hiểu như thế nào được cho là ‘đủ trang thiết bị’ hoặc khái niệm "phù hợp" trong quy định ‘biện pháp quản lý chất thải phù hợp’ cần phải được làm rõ?

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng, trong bối cảnh những vi phạm về an toàn thực đang trở thành vấn nạn thì việc sửa đổi thay Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 178/2013/NĐ-CP) là điều vô cùng cần thiết.

Thêm vào đó, dự thảo còn một số điểm bất hợp lý thể hiện ở chỗ rất nhiều hành vi vi phạm vẫn giữ nguyên mức phạt tiền như cũ. Điều đó là không đáp ứng được mục đích sửa đổi là tăng cường tính răn đe.

Chẳng hạn, vẫn giữ nguyên mức phạt đối với hành vi vi phạm trong sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến thực phẩm như phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm là chưa đủ sức răn đe.

Hoặc Dự thảo Nghị định bổ sung mục 7 Chương II về vi phạm quy định quảng cáo về an toàn thực phẩm nhưng thực chất là “chép lại” các quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực quảng cáo được quy định trước đó tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Tương tự, một số hành vi vi phạm được liệt kê trong Dự thảo cũng chồng lấn với quy định của Nghị định khác như quy định về nhãn hàng hóa, thời hạn sử dụng,… cũng được quy định trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Ông có đề xuất như thế nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

Tôi có một số kiến nghị sửa đổi cụ thể như: Sửa đổi Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo, tăng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm; trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh khung phạt của các điều khoản hiện tại. Bỏ mục 7 Chương II về vi phạm quy định quảng cáo về an toàn thực phẩm của Dự thảo do đã được quy định trong Nghị định khác.

Đồng thời, ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định của Dự thảo; xem xét tính thống nhất, đồng bộ với các quy định liên quan. Dự thảo cũng đang trong giai đoạn lấy ý kiến nên với các ý kiến góp ý tích cực, chính xác thì Ban soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi.

- Xin ông cho biết tác động của Dự thảo Nghị định lần này nếu như Dự thảo Nghị định đi vào cuộc sống?

Như mục đích sửa đổi đã được xác định, nếu Nghị định này được chính thức ban hành và đi vào đời sống sẽ có nhiều tác động tích cực đối với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sửa đổi này cũng như việc sửa đổi Bộ luật Hình sự vừa qua cũng cho thấy Nhà nước đăng tăng cường quản lý công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng pháp luật, bằng việc quy định các hình thức xử lý có tính răn đe.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó thì Dự thảo Nghị định cũng phải khắc phục những điểm còn hạn chế, còn tồn tại như tôi đã nêu ra ở trên.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-thao-nghi-dinh-xu-phat-vi-pham-attp-co-the-tao-du-dia-cho-nhung-nhieu-121626.html