Dự thảo quy định về thi giáo viên dạy giỏi: Giảm áp lực, giảm tính hình thức

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến cho Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp học mầm non, phổ thông. Dự thảo lần này được đánh giá có nhiều thay đổi hay, khoa học, giảm được những áp lực về hình thức cho giáo viên.

Đầu năm 2019, từng dấy lên thông tin phản ánh của một số phụ huynh của quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng có con em học tại trường tiểu học Lê Hồng Phong bức xúc về việc, để phục vụ cho hội thi giáo viên giỏi TP mà nhà trường nhắn tin cho học sinh yếu kém nghỉ ở nhà. Mặc dù đã được cơ quan có trách nhiệm thuộc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng lý giải rằng: Để phục vụ hội thi, nếu duy trì một lớp học như bình thường thì sẽ không có ghế ngồi cho ban giám khảo và các giáo viên tham dự nên việc cho một số học sinh nghỉ học là bình thường, không có chuyện phân biệt học sinh yếu kém, nhưng những băn khoăn về phương pháp, hình thức thi giáo viên dạy giỏi vẫn được bàn đến.

Thực tế, có rất nhiều bất cập của thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi như các tiết dạy chủ yếu là “diễn”, hay việc thi năng lực, sáng kiến kinh nghiệm, kể chuyện của hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi…đã được chính Bộ GD&ĐT đánh giá là không còn phù hợp, phải thay đổi.

Vì thế, theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) thì: Bộ GD&ĐT cũng rất cầu thị tìm cách để có những phương án điều chỉnh những lệch lạc, áp lực thành tích và qua thăm dò ý kiến, mong đợi của các thầy cô là vẫn giữ cuộc thi này. Tuy nhiên, những quy định cũng cần có sự thay đổi để đảm bảo thiết thực, hợp lý, đúng ý nghĩa của cuộc thi.

 Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp học mầm non, phổ thông được đánh giá có nhiều thay đổi hay, khoa học, giảm được những áp lực về hình thức cho giáo viên. Ảnh:P.T

Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp học mầm non, phổ thông được đánh giá có nhiều thay đổi hay, khoa học, giảm được những áp lực về hình thức cho giáo viên. Ảnh:P.T

Theo Dự thảo thông tư của Bộ thì có một vài điểm mới đáng chú ý. Ở mỗi bậc học, nội dung thi đều gồm 2 phần: trực tiếp tổ dạy tại 1 lớp học trong 1 tiết và báo cáo thuyết trình tối đa 30 phút. Các tiết dạy học hay tổ chức hoạt động được thực hiện tại cơ sở nơi giáo viên đang làm việc, ở các lớp học có đầy đủ học sinh. Những hoạt động này không được thử trước; và chỉ báo trước tối đa 3 ngày trước thời gian thi.

Ở phần trình bày, giáo viên sẽ thuyết trình biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất về nghiệp vụ của mình (cách nuôi dạy trẻ ở mầm non, cách tổ chức hoạt động giáo dục ở bậc phổ thông...) trong thời gian tối đa 30 phút. Biện pháp báo cáo phải chưa được báo cáo ở bất cứ đâu, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó. Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần. Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần. Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần.

Thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động chuyên môn sâu rộng, tập trung của tập thể sư phạm, bổ ích cho môi trường giáo dục, nên các cấp cần quan tâm xem xét cách tổ chức cuộc thi như thế nào để đạt hiệu quả ngày càng cao. không dựa vào danh hiệu giáo viên dạy giỏi để tạo thành tích cho nhà trường, mà cần tôn vinh những giáo viên tận tâm, hiệu quả, có năng lực sư phạm mẫu mực.

Vì vậy, Dự thảo lần này của Bộ GD&ĐT cũng quy định rõ các cuộc thi này phải dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan; tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong hội thi. Nghiêm cấm tổ chức hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành. Nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Thúy Vân – Giáo viên Tiểu học ở Đà Nẵng chia sẻ: Trước đây, yêu cầu giáo viên nộp sáng kiến kinh nghiệm là rất hình thức, nhất là giáo viên Tiểu học, rất nhiều gánh nặng sổ sách, mà sáng kiến kinh nghiệm không phải cái nào cũng là sáng kiến… thực sự. Mong muốn của hầu hết giáo viên là có một sân chơi lành mạnh, sáng tạo, khẳng định nghề nghiệp của mình. Trong Dự thảo, nhiều bất cập của thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi đã không còn như: Giáo viên phải thi bài thi năng lực, phải viết sáng kiến kinh nghiệm theo hình thức giấy tờ, thi kể chuyện của giáo viên chủ nhiệm. như vậy, đối với mỗi giáo viên mà nói thì cuộc thi sẽ bớt hình thức và thực chất hơn.

Bộ GD&ĐT nhìn nhận hội thi giáo viên giỏi vẫn rất cần thiết trong hoạt động chuyên môn của giáo viên, qua hội thi đã chọn được những giáo viên có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục. Đồng thời, có tổ chức thi mới tạo nên khí thế thi đua, góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-thao-quy-dinh-ve-thi-giao-vien-day-gioi-giam-ap-luc-giam-tinh-hinh-thuc-163530.html