Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Hơn 3 năm chỉnh sửa mà vẫn nhiều 'lỗ hổng'!

Sau hơn 3 năm soạn thảo với rất nhiều lần chỉnh sửa, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thế nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng bản dự thảo nghị định này vẫn nhiều 'lỗ hổng' và bất hợp lý.

Ảnh minh họa.

Chưa định nghĩa đúng bản chất từng loại hình vận tải

Tại Hội thảo về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP “Quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 21/8, hầu hết các đại biểu đều cho rằng: Bất cập lớn nhất là Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa định nghĩa đúng về 5 loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô, và như thế thì sẽ không thể có giải pháp và chế tài quản lý đúng, phù hợp với từng loại hình.

Chuyện Uber, Grap là xe hợp đồng điện tử hay taxi có nhiều ý kiến phản biện nhất. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh khẳng định: Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo chưa đúng về những sai lầm, bất cập trong thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (Uber, Grap). Việc Bộ GTVT vẫn coi Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử dù trong nhiều hội nghị Bộ trưởng Bộ GTVT đã kết luận Grap là taxi, cả Bộ Tư pháp cùng tất cả các chuyên gia và toàn xã hội đều khẳng định thực chất đó là xe taxi điện tử, khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu công tâm. Các hiệp hội taxi vừa phải gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, phân tích: “Luật GTĐB đã quy định tại Điều 66: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách, cước tính theo đồng hồ tính tiền”. Trong Điều 3 của Dự thảo Nghị định cũng viết: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền hoặc thông qua phần mềm căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi”. Thế nhưng cũng tại Dự thảo Nghị định này lại coi taxi công nghệ như Uber, Grab (hoạt động đúng như định nghĩa trên) là xe hợp đồng điện tử thì rất vô lý. “Hợp đồng điện tử” hay hợp đồng giấy chỉ là phương thức giao kết chứ đâu phải cơ sở để phân loại, bản chất của loại hình vận tải”.

“Bản chất cùng là hoạt động taxi nhưng Uber, Grap lại là xe hợp đồng điện tử với quy định quản lý lỏng lẻo hơn và rất ít nghĩa vụ với nhà nước, người lao động, khách hàng. Như vậy, chúng ta đang tạo sân chơi riêng rất thoáng cho Uber, Grap vì lý do gì? Vì sao không quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi để dễ quản lý, bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm, còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó có lợi nhuận cao hơn?” – Thạc sĩ Trương Đình Quý, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề.

Đối với vận tải khách du lịch, ý kiến của các nhà báo chuyên viết về GTVT cho rằng: Luật GTĐB quy định “Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch”. Như vậy, Nghị định mới phải xác định rõ kinh doanh vận tải khách du lịch có 2 loại: Một là, loại vận tải khách du lịch theo tuyến cố định thì hoạt động và cách quản lý như với xe khách tuyến cố định, chỉ khác là điểm xuất phát và điểm đến là các điểm du lịch. Hai là, loại vận tải khách du lịch theo chương trình và địa điểm du lịch (tuar nhóm) thì hoạt động và cách quản lý như với loại hình xe hợp đồng để tránh “trá hình” chở khách như xe khách tuyến cố định nhằm “né” các loại thuế, phí và hoạt động “xe dù, bến cóc”.

Trước phát biểu của đại diện hãng xe Thành Bưởi (TP Hồ Chí Minh) về việc nếu quy định xe hợp đồng và xe du lịch chỉ được ký một hợp đồng và khống chế tỷ lệ dưới 30% hành trình lặp lại trùng nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, nhà báo có bút danh Lâm Sơn đã nhiều năm viết về xe dù, bến cóc phản biện: Việc quy định như vậy là rất hợp lý và cần thiết, không vi phạm quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta có 5 loại hình vận tải để doanh nghiệp lựa chọn. Đã đăng ký loại hình nào thì phải chấp hành quy định quản lý loại hình đó, giống như đã chọn nghề bác sĩ thì phải tuân thủ y đức và mặc y phục, nếu không muốn thì có quyền chọn nghề khác. Không thể đăng ký xe hợp đồng, xe du lịch nhưng lại hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định, xe taxi nhằm trốn thuế, phí và “né” rất nhiều quy định khác, gây lộn xộn, ùn tắc giao thông. Hiện nay chúng ta đang thực hiện quy định này mà xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc vẫn vô cùng nhức nhối. Nếu nghị định mới bỏ quy định xe hợp đồng và xe du lịch chỉ được ký một hợp đồng và không chạy quá 30% hành trình lặp lại trùng nhau thì chắc chắn sẽ trật tự vận tải hành khách đường bộ sẽ vỡ trận vì các hãng xe khách liên tỉnh sẽ bỏ bến để đăng ký xe hợp đồng để dễ dàng “lách luật”.

Phải quản lý bằng phần mềm hiện đại

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/NĐ-CP còn quy định nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh. Việc tăng cường các biện pháp quản lý để bảo đảm trật tự an toàn giao thông là rất cần thiết vì đó là nguyên tắc hàng đầu của ngành vận tải, nhưng cần bỏ những thủ tục, quy định không thiết thực, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Để gỡ bỏ những thủ tục, điều kiện không cần thiết, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử... thì phải tận dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0, kiên quyết ứng dụng phần mềm quản lý công nghệ hiện đại. “Đáng tiếc là Dự thảo Nghị định hiện nay chỉ quy định áp dụng phần mềm công nghệ quản lý đối với loại hình xe hợp đồng, còn các loại hình khác lại không áp dụng. Đây là điều không hợp lý và không công bằng. Thực tế đã chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm, đồng thời các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, “bảo kê” cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông; rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra do phương tiện và người lái xe không chấp hành nghiêm pháp luật, như vụ xe chở khách hoạt động “chui”, gây tai nạn làm 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam vào cuối tháng 7-2018 vừa qua” – Nhà báo Lâm Sơn phân tích.

Có ý kiến cho rằng, nếu tất cả ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera kết nối với thiết bị giám sát hành trình sẽ gây tốn kém. Nhưng vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến tính mạng của rất nhiều người; với chi phí lắp đặt khoảng 3 triệu đồng/xe thì cũng không phải nhiều so với lợi ích mà nó mang lại (thực tế thì nhiều doanh nghiệp đã tự lắp tới 4-5 chiếc camera/xe). Từ phân tích trên, các chuyên gia về GTVT kiến nghị: Nghị định mới cần xác định cụ thể thời hạn đến tháng 1 năm 2020 bắt đầu lắp camera kết nối GPS và phần mềm quản lý vận tải đối với xe ô tô chở khách từ 9 chỗ trở lên. Khi đã có công cụ quản lý bằng công nghệ thì sẽ gỡ bỏ hàng loạt các điều kiện quản lý thủ công theo đúng chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh của Chính phủ. Trong văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp cũng đã kiến nghị điều này.

Bên cạnh những vấn đề lớn lớn nêu trên, các đại biểu dự hội thảo còn nêu một số “lỗ hổng” khác trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Ban tổ chức hội thảo thống nhất đề nghị Chính phủ giao cho Bộ GTVT sửa lại Dự thảo Nghị định này để bảo đảm nghị định mới thực sự có tầm, quản lý tốt hơn nghị định cũ, làm cơ sở lập lại trật tự, kỷ cương, văn minh trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe ô tô. Tránh tình trạng nghị định vừa ban hành đã bị lỗi thời, lạc hậu và không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Những năm qua, dư luận và báo chí đã liên tục phản ánh về tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe khách trá hình và những bất hợp lý khi coi Uber taxi và Grab taxi là xe hợp đồng điện tử, gây hệ lụy vô cùng lớn cả về trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội và mỗi năm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế... Vì thế, đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Bộ GTVT đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo; các địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia đã góp nhiều ý kiến... Giữa tháng 5/2018, Báo Lao Động đã đăng loạt bài “Phải bịt được “lỗ hổng” trong kinh doanh vận tải”. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu phản ánh của Báo Lao Động để hoàn chỉnh dự thảo nghị định. Nhưng đến nay, bản Dự thảo nghị định (lần thứ 5) mà Ban soạn thảo trình Chính phủ vẫn nhiều “lỗ hổng”.

PV

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/du-thao-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-va-dieu-kien-kinh-doanh-van-tai-bang-xe-o-to-hon-3-nam-chinh-sua-ma-van-nhieu-lo-hong-13375.html