Dự thảo Nghị định quy định biểu diễn nghệ thuật: Top 10 được phép tham dự cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài

Nhiều vấn đề 'nóng' trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật tiếp tục được đưa ra bàn luận trong Hội nghị lấy ý kiến về một số chính sách trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL tổ chức sáng 3.8, tại TP.HCM. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại Hội nghị

Bỏ quy định cấm

Sau 5 năm thực hiện, Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5.10.2012 và Nghị định bổ sung 15/2016/NĐ-CP ngày 1.5.2016 đã phát huy được nhiều mặt tích cực trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn như tạo hành lang pháp lý cơ bản, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, trên thực tế lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn luôn chứa đựng yếu tố mới về nội dung, hình thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động này cần thích ứng kịp thời, nhanh nhạy cho phù hợp tình hình và theo quy định của pháp luật.

Nhiều nội dung quy định trong Nghị định được cho là tồn tại nhiều bất cập, chưa sát với tình hình thực tế. Các quy định cấm đối với các hoạt động biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình…tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP không còn phù hợp; công tác quản lý, cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước tham gia biểu diễn nghệ thuật; cấp phép cho thí sinh Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế; quản lý, cấp phép phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước 1975… vẫn còn nhiều bất cập.

Trên cơ sở kế thừa các chính sách, quy định còn phù hợp của Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, dự thảo Nghị định tới đây sẽ có nhiều thay đổi, thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật và cá nhân tham gia lĩnh vực này. Điều này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao tại hội nghị.

"Quản" người đẹp ra nước ngoài dự thi như thế nào?

Đây là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu đề cập. Theo quy định hiện hành thì các cá nhân được cấp giấy phép tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế phải đáp ứng điều kiện đạt danh hiệu chính (top 3) tại cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước, được một pháp nhân có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật đại diện thực hiện thủ tục cấp phép…Thực tế thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề như nhiều người đẹp tự ý ra nước ngoài “thi chui” và chấp nhận bị xử phạt hành chính, hay các đơn vị không đủ năng lực, không được cấp phép tổ chức ở VN nhưng cố tình thực hiện các hoạt động không đúng quy định pháp luật như đưa thí sinh ra nước ngoài, tổ chức trao giải cho cá nhân tham dự không đúng quy định pháp luật…ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính, đặc biệt các cá nhân đã đoạt danh hiệu người đẹp trong các cuộc thi được tổ chức nghiêm túc…

Điều này cần thiết phải có quy định biện pháp quản lý đối với đối tượng đại diện ra nước ngoài dự thi người đẹp và người mẫu. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định cũng quy định mở rộng đối tượng được tham gia để có nhiều lựa chọn cho phù hợp tiêu chí.

Ông Lê Xuân Sơn, Trưởng BTC Hoa hậu Việt Nam cho rằng, mở rộng đối tượng tham gia cuộc thi sắc đẹp của nước ngoài là thể hiện sự dân chủ, văn minh và các thí sinh trong top 10 là phù hợp với thực tế và tiêu chí mỗi cuộc thi trên thế giới. Việc dựa vào các cuộc thi để lựa chọn đại diện đi tham dự các cuộc thi nhan sắc nước ngoài là cần thiết. Không thể để tự do đi được, mà chắc chắn phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Khoanh vùng các thí sinh đã từng đứng ở thứ bậc cao trong các cuộc thi. Nghị định phải gắn với thực tế. Thực tế trong giai đoạn phát triển hiện nay không phù hợp. Việt Nam hiện nay đang thuộc vào nhóm nước mà các danh hiệu các người đẹp, người mẫu mang lại lợi ích rất lớn. Một bộ phận thí sinh vụ lợi khá đông, nếu không quy định chặt chẽ việc cử đi thì người vụ lợi đi nước ngoài thi rất nhiều. Họ không đảm bảo tiêu chí cả về hình thể, tư cách đạo đức đại diện cho đất nước đi thi…

Riêng đối với đối tượng là cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong dự thảo nghị định mới sẽ cởi mở hơn tạo điều kiện cho nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam biểu diễn. Theo đó, Cục NTBD sẽ cấp phép trực tiếp cho các nghệ sĩ thay vì thông qua các tổ chức, đơn vị…như quy định hiện hành.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng: Nghị định phải vừa đáp ứng cái khó, vừa đáp ứng đời sống hiện nay nhưng phải biết dự kiến được sự phát triển để xây dựng. Trong lĩnh vực biểu diễn có những cái rất mới, liên tục thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải tiên liệu, dự báo được. Tinh thần quản lý làm sao nhiều chương trình hay, tốt, nhiều nghệ sĩ tài năng…Quản lý để phát triển, hạn chế tối đa giấy phép con, gây phiền hà cho doanh nghiệp...

Theo baovanhoa.vn

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/thong-tin-cinet/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-bieu-dien-nghe-thuat-top-10-duoc-phep-tham-du-cuoc-thi-sac-dep-o-nuoc-ngoai-354804.html