Dự thảo Nghị định mới về điều kiện kinh doanh vận tải còn nhiều bất cập

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô còn nhiều điểm bất cập cần thay đổi.

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật”.

Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan chia sẻ quan điểm, nhận diện vấn đề, từ đó đề xuất các kiến nghị sửa đổi văn bản hoặc tổ chức thực thi, qua đó giúp Chính phủ có quyết định phù hợp về việc ban hành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Ngành giao thông đang “tắc tư duy, tắc giải pháp"

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hãng luật Basico, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mà Bộ Giao thông vận tải soạn thảo cần được xem lại, làm lại, thừa nhận vai trò của công nghệ, kinh tế sẻ chia trong làm chính sách và xu hướng phát triển.

Luật sư này cho biết: "Tôi đọc qua, thấy Dự thảo trên cắt 1 thêm 3 điều kiện kinh doanh. Nó không chỉ hạn chế nguồn lực mà còn ngăn cản của công nghệ, hội nhập và tư duy xã hội. Chúng ta cần thay đổi tư duy, phải bắt tay làm lại chứ không phải chỉ là câu chữ nữa rồi".

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hãng luật Basico. (Ảnh: DNVN/Mỹ An)

Ông Đức lý giải, không có lý do gì chúng ta quy định xe tải khi đi trên đường phải treo biển xe tải. Việc treo biển này nói vui chỉ dành cho khách nước ngoài lần đầu sang Việt Nam, biết đây là xe tải và tránh nó.

Ông Đức cho biết thêm, nếu Dự thảo này được ban hành cũng sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn vì đã rất nhiều tổ chức, cá nhân chỉ ra những thiếu sót bất cập. Trong đó, một trong những bất cập điển hình là việc vẫn duy trì yêu cầu xe hợp đồng phải báo cáo từng chuyến khi xuất phát; việc này sẽ đạt được những lợi ích rất nhỏ trong khi chi phí, thời gian lại rất phức tạp, tốn kém.

Can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện doanh nghiệp Thành Bưởi cho rằng, dự thảo Nghị định còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, cấm đoán hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng thêm nhiều điều kiện kinh doanh như đã đề cập, Nghị định cũng không đề cập đến những bất cập khó khăn trở ngại của doanh nghiệp. Đơn cử là quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Mỹ An)

"Chúng tôi chỉ có 1 ô tô, ký hợp đồng với 1 doanh nghiệp hằng tháng đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Vũng Tàu 15 chuyến/tháng. Nay với quy định này chúng tôi một là phải sử dụng xe vào những tuyến không phải thế mạnh của mình, hai là mua thêm xe để đáp ứng không vượt quá 30% tổng số chuyến. Với doanh nghiệp lớn có nhiều xe họ có thể sử dụng xoay vòng, nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có nước chờ phá sản", đại diện doanh nghiệp Thành Bưởi lo lắng.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - CIEM, cho rằng, so sánh về số điều kiện kinh doanh cắt giảm và tăng thêm được quy định trong Nghị định 86/2014 và dự thảo Nghị định cho thấy, dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn so với Nghị định 86 do xuất hiện các yếu tố mới.

“Tổng số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ của dự thảo Nghị định là 12 điều kiện, qua tổng hợp bảng so sánh 20 trang, có đến 19 trang là điều kiện kinh doanh bổ sung, bằng 85 điều kiện kinh doanh được bổ sung. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ, ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, chiếu theo dự thảo nghị định 86 không đạt được mục tiêu này”, bà Thảo nói.

Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, taxi vẫn đang chịu các điều kiện làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp như một năm phải kiểm định lại đồng hồ tính tiền, trong khi phiếu bảo hành là 18 tháng. Xe Grab 12-24 tháng mới phải đăng kiểm, trong khi đó xe taxi là 6 tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp taxi phải ký hợp đồng với lái xe, phải đóng các loại bảo hiểm. Nghị định 86/2014 có 51 điều kiện thì taxi chiếm 13 điều kiện, chưa kể các điều kiện trong Thông tư 63.

Góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đề xuất, cần chuyển mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

“Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Mỹ An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-sach-moi/du-thao-nghi-dinh-moi-ve-dieu-kien-kinh-doanh-van-tai-con-nhieu-bat-cap-3281.html