Dự thảo Nghị định Cơ chế một cửa quốc gia: Hướng đến xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong triển khai Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) nhưng công tác này vẫn còn chưa đảm bảo tính minh bạch, dự báo, nhất quán trong hệ thống pháp luật về KTCN cũng như trong việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế.

Công chức chi cục Hải quan Nhơn Trạch (Cục Hải quan Đồng Nai) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Do đó, dự thảo Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa XNK (gọi tắt là dự thảo Nghị định) được xây dựng nhằm hướng đến xã hội hóa hoạt động KTCN.

Thời gian qua, các bộ ngành đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về KTCN thuộc lĩnh vực quản lý, theo đó, một số văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế mới đã được ban hành và đã đưa nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong việc quản lý và KTCN. Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp KTCN chưa được các bộ, ngành triển khai và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.

Yêu cầu quyết liệt trong hoạt động này, ngày 15/5/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về các giải pháp để thực hiện cải cách hoạt động KTCN, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính về KTCN. Theo đó, Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu, yêu cầu thực hiện cắt giảm tỷ lệ hàng hóa phải KTCN xuống dưới 10%, rà soát loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải KTCN. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa kiểm tra mà không có đơn vị thực hiện. Đồng thời, phải minh bạch công khai tiêu chí kiểm tra, tiêu chuẩn đánh giá, xã hội hóa hoạt động KTCN với sự tham gia của DN. Điều này khẳng định thúc đẩy XNK là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Do đó, dự thảo Nghị định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các DN thông qua việc đơn giản thủ tục hải quan và thủ tục XNK trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định ngày 15/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, dự thảo Nghị định sẽ giải quyết những bất cập còn tồn tại và đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan. Đồng thời áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong KTCN, thực hiện thừa nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa NK từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn cao, rà soát loại bỏ quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN, bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng NK và theo người NK, thu hẹp danh mục số lượng mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan...

Nhằm thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác KTCN trên nền tảng kết nối thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia, dự thảo Nghị định còn là cơ sơ pháp lý thống nhất để cải cách toàn diện hoạt động KTCN theo hướng giảm lượng hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, minh bạch hóa công tác KTCN thông qua việc công bố các quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những chồng chéo, xung đột, bất cập tại các văn bản về KTCN đối với hàng hóa XNK, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết thêm.

Cùng với việc bảo đảm thống nhất chuẩn hóa quy trình thực hiện thủ tục KTCN, theo bà Lê Thị Như Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, dự thảo Nghi định cũng quy định theo hướng phân định rõ trách nhiệm của người khai hải quan, cơ quan KTCN, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, trong đó, thực hiện KTCN và chịu trách nhiệm về kết quả KTCN thuộc về cơ quan KTCN.

Tại cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định, đại diện của hầu hết các bộ, ngành đều đánh giá, dự thảo Nghị định có tác động đối với các thủ tục hành chính liên quan đến KTCN như: Minh bạch danh mục các mặt hàng kiểm tra trước thông quan; hạn chế việc tồn tại trường hợp một mặt hàng phải tuân thủ cùng một lúc nhiều thủ tục KTCN do nhiều bộ hoặc nhiều cơ quan trong cùng một bộ quy định; giảm số lượng mặt hàng phải tuân thủ thủ tục hành chính về KTCN trước thông quan, chuyển thời điểm KTCN từ giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau thông quan, theo đó thời gian thông quan hàng hóa sẽ ít bị phụ thuộc vào thời gian KTCN.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc KTCN, theo đó thống nhất KTCN phải trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thống nhất nguyên tắc xây dựng danh mục kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cơ quan KTCN phải là cơ quan Nhà nước, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định tham gia vào một số hoạt động trong KTCN.

Trong đó, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ của tổ chức, cá nhân trong KTCN; việc KTCN được tiến hành trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với từng mặt hàng, được công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cơ quan Nhà nước được phân công có quyền lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã được bộ quản lý ngành chỉ định, tham gia vào một số công đoạn trong hoạt động KTCN. Đặc biệt, dự thảo Nghị định cho phép thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp trong hoạt động KTCN theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định, dự thảo Nghị định quy định rõ các trường hợp miễn KTCN; thông quan hàng hóa phải KTCN; trách nhiệm của bộ, ngành và các bên liên quan trong KTCN; phối hợp trong hoạt động KTCN.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/du-thao-nghi-dinh-co-che-mot-cua-quoc-gia-huong-den-xa-hoi-hoa-hoat-dong-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx