Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và nỗi lo của doanh nghiệp chế xuất

Doanh nghiệp chế xuất lo ngại việc dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) áp dụng mức thuế có thể lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu phi thuế quan sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Giá thành sản phẩm xuất khẩu sẽ đội lên rất nhiều

Tuần tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trước khi xem xét thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay.

Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 22,4 tỷ USD

Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 22,4 tỷ USD

Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp chế xuất đang rất quan tâm đó là Dự thảo Luật đã bỏ việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%. Cụ thể, ngoài vận tải quốc tế, dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% gồm: dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý. Như vậy theo nội dung sửa đổi, rất nhiều loại hình dịch vụ sẽ bị áp mức thuế cao hơn trước đây, cụ thể là tăng từ 0% thành 5% hay 10% trong khi không có cơ chế cho doanh nghiệp khấu trừ hoặc hoàn thuế đầu vào.

Lý do sửa đổi mà Bộ Tài chính đưa ra là thời gian qua, việc áp dụng thuế suất VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu gặp vướng mắc vì nhiều trường hợp rất khó khăn trong việc xác định dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay tại nước ngoài do dịch vụ có tính vô hình từ đó gây ra nhiều vướng mắc, tranh cãi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.

Theo ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam, quy định mới tại Dự thảo Luật sửa đổi khiến toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí của doanh nghiệp, dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều. Điều này làm cho doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác. Đây cũng là vấn đề mà những doanh nghiệp chế xuất FDI lớn như Samsung, LG, Intel… lo ngại.

Ngoài ra, khi áp dụng thuế VAT đối với dịch vụ thì các doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng xuất khẩu vẫn được khấu trừ, hoàn thuế; nhưng đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế VAT thì không có cơ chế hoàn thuế. Vì vậy, việc sửa đổi như Dự thảo gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) vào tháng 3 vừa qua, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, các doanh nghiệp chế xuất đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu sản phẩm. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam cần duy trì các điều kiện cạnh tranh cho doanh nghiệp chế xuất và các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

"Tuy nhiên, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang xem xét áp thuế với hầu hết các dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất và dịch vụ cho các tập đoàn nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến lo ngại về sự suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chế xuất và xuất khẩu dịch vụ. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ sửa đổi để các dịch vụ dành cho doanh nghiệp chế xuất hoặc các tập đoàn nước ngoài sẽ được hưởng thuế VAT 0% bất kể nơi tiêu thụ", JCCI góp ý.

Thuế suất VAT 0% đã giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch vụ xuất khẩu thường là những ngành đòi hỏi lao động trình độ cao, không yêu cầu vốn đầu tư lớn như công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là những lĩnh vực phù hợp với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ Đổi Mới đến nay, xuất khẩu hàng hóa luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Ý kiến của một số công ty tư vấn thuế, doanh nghiệp cho rằng, việc giới hạn các dịch vụ được hưởng thuế suất 0% sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu phi thuế quan, đặc biệt là các doanh nghiệp chế xuất và một số loại hình dịch vụ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như dịch vụ thanh toán, marketing, trung tâm hỗ trợ bán hàng, logistics,… đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách ghi nhận.

Trong báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, làm rõ những loại hình dịch vụ của doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng yêu cầu là được cung cấp/thực hiện và tiêu dùng tại nước ngoài để có thể được xem là dịch vụ xuất khẩu, bảo đảm sự nhất quán về bản chất và nguyên tắc áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/du-thao-luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-va-noi-lo-cua-doanh-nghiep-che-xuat-i376381/