Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Để Nhân dân phát huy quyền làm chủ

Cho ý kiến lần đầu đối với Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo được không khí cởi mở trong xã hội, góp phần thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn hình thức, chưa đồng đều, rộng khắp. Do đó, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật.

Tham gia thảo luận, một số đại biểu cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã làm chuyển biến ý thức đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.

Bà CHAMALEÁ THỊ THỦY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận: Việc xây dựng ban hành luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục phát huy, hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Song, theo các đại biểu, việc thực hiện dân chủ vẫn chưa đồng đều ở các địa phương, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Dân chủ ở cơ sở, ở các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được phát huy mạnh mẽ.

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều bất cập trong cả nội dung lẫn hình thức, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chưa thống nhất, mỗi nơi thực hiện có khác nhau, thiếu chế tài xử lý, tùy trường hợp cụ thể vai trò giám sát, phản biện của mặt trận, đoàn thể cũng như của người dân chưa rõ.

Bà BỐ THỊ XUÂN LINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc thực hiện pháp luật và dân chủ ở cơ sở cũng chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên. Đặc biệt, trong xây dựng Đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Do đó, việc xây dựng luật ở giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại phiên họp tổ, các đại biểu lưu ý, Dự thảo luật cần làm rõ, dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ nhằm góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mởi, phát huy tối đa vai trò của người dân, người lao động đã trên tất cả các lĩnh vực./.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/du-thao-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-de-nhan-dan-phat-huy-quyen-lam-chu