Dự thảo Luật Thi hành án Hình sự (sửa đổi): Đổi mới nhiều nhưng vẫn chưa sát!

Dự thảo cần thể hiện rõ hơn nữa nhiều nội dung liên quan đến giam giữ người đồng tính, tâm thần hay tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

"Dự thảo Luật Thi hành án (THA) Hình sự (sửa đổi) đề cập vấn đề giam giữ riêng người đồng tính, người khuyết tật. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại nhiều trại giam còn rất hạn chế. Đơn cử, quận Bình Tân quản lý khoảng 150 can phạm. Chúng tôi phải gửi bớt cho Công an TP HCM". Ông Nguyễn Thành Danh, Công an quận Bình Tân, bày tỏ băn khoăn tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật THA Hình sự (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP HCM tổ chức ngày 10-4.

Khó giam riêng người đồng tính, tâm thần

Trước thực trạng trên, ông Danh góp ý song hành với quy định giam giữ riêng từng giới tính, dự thảo cần đề cập vấn đề cơ sở vật chất, quy trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, ban, ngành khi xảy ra tình huống phát sinh khác.

Ông Phạm Văn Khiêm, Công an huyện Bình Chánh, nêu trường hợp người THA đối phó bằng cách lợi dụng chiêu trò bệnh tật, tâm thần. Theo luật, tòa án cho phép người bệnh về địa phương thực hiện bản án. "Tại nơi cư trú, cơ quan chức năng mời lên thì họ giả vờ phát bệnh (sùi bọt mép, co giật…), thậm chí nhờ người nhà cõng lên. Chúng tôi buộc phải cho về. Cán bộ đến nhà hỏi thăm thì nằm bất động. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu mới biết ở nhà người này hoàn toàn bình thường. Vậy, tòa có quyết định hoãn THA trong trường hợp như thế hay không? Dự thảo cần nêu rõ cơ quan chức năng có quyền lấy kinh phí từ ngân sách đưa những đối tượng như vậy đi giám định tâm thần" - ông Khiêm đề nghị.

Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo

Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo

Một ĐB công tác tại cơ quan THA quận 9 không khỏi lo lắng về công tác quản lý phạm nhân tâm thần. Theo ĐB này, 95% phạm nhân tự sát trong trại giam bị trầm cảm hoặc tự kỷ (tâm thần nhẹ). Chính vì thế, dự thảo luật cần đề cập cụ thể, chi tiết hơn nữa về quy trình, trách nhiệm quản lý phạm nhân tâm thần.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng cần bổ sung thêm nội dung vào quy định liên quan đến phạm nhân là người khuyết tật. Có những phạm nhân không có dấu hiệu tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; mà họ là người câm, điếc. Do đó, họ cũng cần được bố trí giam giữ riêng.

Khó quản phạm nhân lao động ngoài trại giam

Dự thảo luật đề cập nhiều đến việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Dù vậy, vấn đề này vấp nhiều ý kiến trái chiều.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP HCM, cho biết cách đây khá lâu đã có phạm nhân mất mạng trong lúc lao động tại hầm mỏ đá. Từ đó, ĐB Như Khuê hỏi: "Việc bồi thường sẽ thuộc trách nhiệm trại giam hay thuộc trường hợp người lao động bị tai nạn? Quy trình cụ thể kiểm soát, quản lý khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài sẽ như thế nào?".

Một số ĐB khẳng định sự cố về tai nạn lao động sẽ do Luật Dân sự điều chỉnh, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, bài toán quản lý phạm nhân lao động ngoài trại giam mới thực sự bức thiết. Bởi vì, trong nhà tạm giam, tạm giữ, một quản giáo có thể quản lý từ 20-30 can phạm nhưng 1 can phạm thì cần từ 2-3 quản giáo quản lý nếu ra ngoài lao động.

Đại diện Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân nhận thấy dự thảo đưa ra yếu tố mang tính nguyên tắc là trại giam nhận toàn bộ nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, giám sát… khi phạm nhân lao động ngoài trại giam. Song, thực tế thực hiện có vô vàn gian nan. Hiện một quản giáo phụ trách từ 30-50 phạm nhân. Trước tình hình nhân lực như vậy, các trại giam sẽ quản không xuể. Năm 2018, rất nhiều phạm nhân đã bỏ trốn khi lao động bên ngoài. Chưa kể, phạm nhân lợi dụng thời gian ở ngoài, cấu kết với người ngoài tuồn ma túy, vật cấm vào trại giam. Dự thảo chưa nhắc chi tiết về tình huống xảy ra sự cố ngoài trại giam.

Bài và ảnh: DI LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/du-thao-luat-thi-hanh-an-hinh-su-sua-doi-doi-moi-nhieu-nhung-van-chua-sat-20190410223523324.htm