Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nêu rõ hơn về tổ chức tư vấn thuế

Góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi mới được Tổng cục Thuế đưa ra lấy ý kiến, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng dự thảo này tiếp tục theo đuổi mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý ngân sách.

Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Ảnh: Internet

Theo ông Danh, việc sửa Luật Quản lý thuế nằm trong lộ trình cải cách hệ thống thuế của Việt Nam trong suốt giai đoạn vừa qua để đáp ứng yêu cầu về quản lý kinh tế tài chính cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.

Việc sửa Luật này sẽ góp phần tạo thuận lợi, hạn chế tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cũng như tăng trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế đối với nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước.

Nhận xét về nội dung dự thảo, đại viện VACPA cho rằng: "Về tổng thể, dự thảo Luật đã tiếp tục theo đuổi mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý ngân sách. Đây là mục tiêu hàng đầu giúp tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đầu tư sản xuất và quay trở lại phục vụ cho nền kinh tế xã hội của đất nước. Cùng với đó, nhiều điểm trong dự thảo đã góp phần tăng cường năng lực quản lý của cơ quan Thuế. Đây cũng là điều kiện cần thiết để làm sao quản lý tiền thuế của người dân, doanh nghiệp một cách chặt chẽ".

Ông Phạm Sỹ Danh nhận định, trong các nội dung của dự thảo lần này đã thấy có sự bổ sung từ kinh nghiệm thực tiễn và học tập kinh nghiệm quản lý thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Dự thảo này cũng đáp ứng xây dựng một Chính phủ mà các cơ quan quản lý hoạt động kiến tạo và phục vụ nhân dân.

"Dự thảo lần này đã mở mở rộng quyền hạn của người nộp thuế. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Lĩnh vực quản lý thuế đã được mở rộng hơn trong bối cảnh phát triển kinh tế hội nhập như: chuyển giá, quản lý hóa đơn điện tử, nợ thuế chiếm dụng thuế, chậm nộp... ", theo ông Danh.

Nhấn mạnh hơn về quyền lợi của doanh nghiệp, đại diện VACPA cho rằng, dự thảo đưa ra những quy định rõ hơn về các tổ chức tư vấn thuế là một việc làm đúng đắn giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

"Như chúng ta đã biết, vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển sản xuất kinh doanh. Bây giờ dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đưa ra nội dung tư vấn thuế để phục vụ thêm doanh nghiệp mảng kế toán kiểm toán. Hai vấn đề này là đồng bộ. Nhưng khó khăn là làm sao tránh được mâu thuẫn giữa các luật với nhau. Đồng thời phải đảm bảo đối tượng làm dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ kế toán phải đáp ứng các tiêu chuẩn do Luật và các cơ quan quản lý Nhà nước quy định" - ông Danh cho biết.

Góp ý về phía quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan Thuế, ông Phạm Sỹ Danh cho rằng, về tổng thể, cần sửa một số nội dung có thể hoàn chỉnh lại thẩm quyền xem xét, miễn giảm, truy thu, xem xét kết luận liên quan đến chấp hành nghĩa vụ thuế bởi không chỉ cơ quan Thuế mà trong hoạt động kinh tế xã hội có nhiều cơ quan kiểm tra giám sát liên quan đến thuế. Đơn cử như việc ngoài cơ quan Thuế còn có Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ hay kể cả cơ quan điều tra cũng liên quan đến thuế. Vì vậy, khi xây dựng Luật phải bao quát hết được những điều này để khi có vấn đề xảy ra, người nộp thuế thấy được phải tiếp xúc với cơ quan nào và xử lý như thế nào cho hợp lý.

Bàn về những khó khăn trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, ông Phạm Sỹ Danh cũng nhấn mạnh, khi xây dựng và ban hành một chính sách mới liên quan đến quản lý kinh tế và tài chính ngân sách, bao giờ cũng sẽ gặp sự phản ứng ở đâu đó. Nhưng nó là khó khăn tạm thời vì chúng ta hướng đến kết quả dài hạn.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sua-luat-quan-ly-thue-nam-trong-lo-trinh-cai-cach-he-thong-thue-cua-viet-nam.aspx