Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia: Luật cần đứng về phía nhân dân chứ không phải nhóm lợi ích

ĐB Phạm Trọng Nhân bày tỏ quan điểm, dự Luật phải đứng về phía nhân dân chứ không phải của bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào khác.

Có vẽ đường cho hươu chạy?

Ngày 23.5 tại buổi thảo luận hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ sự bất ngờ khi nhiều điều khoản trước đây đã bị đẩy ra khỏi Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia. Điển hình, Dự luật không còn cấm bán bia rượu từ 15 độ cồn trở lên trên Internet mà thay bằng chế định bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, quy định các biện pháp kiểm soát độ tuổi tiếp cận, truy cập và tìm kiếm mua rượu bia. Ủy ban thường vụ Quốc hội lý giải việc không giữ lại quy định cũ vì… không khả thi và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Trọng Nhân cho rằng, trong khi tình trạng ngày càng phổ biến của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là "vẽ đường cho hươu chạy":

“Báo cáo giải trình chỉ đề cập, cân nhắc quy định cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc những nguy cơ tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội”.

Trình bày bản Dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH, UBTVQH cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau hay cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ. Đáng lưu ý, dù đánh giá đây là những giải pháp ”hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia” nhưng trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi cao nên không đưa vào Dự thảo.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), về mặt thay đổi nhận thức, văn hóa uống rượu, bia, đây là cả một quá trình nên cần hạn chế quảng cáo rượu, bia; nhất là trong hoạt động cho giới trẻ.

Bà Lan nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia phải được quy định cụ thể là có thể được xã hội hóa, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Chúng ta nghe thấy nó hơi buồn cười, nhưng thực ra đây là một cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng”.

“Chúng ta phải khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia thực hiện các chương trình. Ví dụ, như uống rượu, bia thì không lái xe. Tôi hoan nghênh điều này và tôi thấy nó rất thực tế”, bà Lan nói.

Theo ĐB Dương Trung Quốc, Đồng Nai, bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan.

Ông Quốc chia sẻ, ai cũng nhớ nằm lòng câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu, cũng không hoa”, để nói con người bị tước đoạt tự do là không được ngắm hoa, không được uống rượu. Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, “khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu”, nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này.

ĐBQH Dương Trung Quốc

ĐBQH Dương Trung Quốc

“Tôi xin nói, tôi sẽ thẩm tra lại một văn bản được lưu truyền ở Quốc hội do Tổ chức y tế thế giới ở Việt Nam trên bìa đề chữ “Uống rượu, bia có hại cho sức khỏe”. Đấy có phải là thông điệp của thế giới không? Trong khi đó là một văn hóa tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó, chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung”, ông Quốc nêu.

Luật phải đứng phía nhân dân chứ không phải nhóm lợi ích

Từ kết quả của cuộc khảo sát nhỏ với trẻ từ 12-16 tuổi mà ở đó có tới 83% trẻ cho biết có sử dụng các loại thức uống có cồn, 87,6% không phân biệt được nồng độ cồn trong sản phẩm vì chỉ nghe vào những lời giới thiệu, quảng cáo… ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) lại mong mỏi có những quy định cứng rắn hơn trong Dự luật lần này.

“Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của Dự thảo Luật so với xu thế chung, dường như đi ngược lại với tính chất nguy hiểm với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe con người, nhưng có vẻ bắt kịp rất nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu bia”, ĐB Hiền thẳng thắn.

ĐB này dẫn chứng, đối với quy định độ tuổi mua rượu bia, các nước phát triển hiện còn lúng túng, nhưng họ vẫn làm vì họ dự báo được tình hình. Việt Nam có thể áp dụng tương tự, ban hành các quy định và thực hiện theo lộ trình để dần dẫn thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng rượu bia.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền cho rằng, không thể chần chứ để chờ tuyên truyền mà thay đổi hành vi văn hóa của con người. Thay vào đó, là những quy định nghiêm, có tính răn đe, phòng chống được tác hại của thứ đồ uống này gây ra.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân cũng đề nghị Quốc hội đưa trở lại dự luật có các chế định nghiêm khắc trước đây, đồng thời rà soát điều chỉnh lại độ cồn ở ngưỡng 4 – 5 độ trong tất cả các quy định, thay vì 5,5 độ trong dự thảo luật.

ĐB Nhân bày tỏ quan điểm, dự Luật phải đứng về phía nhân dân chứ không phải của bất kỳ cá nhân hay nhóm lợi ích nào khác.

“Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng chưa hoàn chỉnh về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khỏe nhân dân. Chi phí cho ra đời một dự luật không hề nhỏ đến từ nguồn thuế của nhân dân. Nhưng nếu luật ra đời không phục vụ đúng lợi ích của nhân dân, thì nó đảm bảo tính đại diện lợi ích chung của xã hội mà nhà lập pháp từng cam kết trước đồng bào cử tri khi vận động tranh cử”, ông Nhân nói.

Nam Phong

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/du-thao-luat-phong-chong-tac-hai-ruou-bia-luat-can-dung-ve-phia-nhan-dan-chu-khong-phai-nhom-loi-ich-113744.html