Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thiết chế hòa giải mới được xã hội kỳ vọng

Sáng nay 25/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 04 chương, 42 Điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của dự Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp phát bểu thảo luận

Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp phát bểu thảo luận

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh; các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu về dự án Luật. Các ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Về một số nội dung cụ thể, như chi phí hoạt động hòa giải tại Tòa án quy định tại Điều 9, nhiều ý kiến tán thành với quy định này. Các đại biểu nhất trí với quy định Nhà nước không thu phí hòa giải trừ 3 trường hợp đã nêu trong dự thảo. Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể những chi phí nào do Nhà nước bảo đảm, chi phí nào do đương sự chi trả.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp, Nhà nước nên thu một khoản phí để bù đắp chi phí tổ chức hòa giải, đối thoại, chi phí chi trả cho hòa giải viên… Nên xem xét những trường hợp có vụ việc dân sự có giá trị hàng hóa phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên có thu một khoản phí để bù đắp chi phí.

Về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên (HGV) quy định tại Điều 15, nhiều ý kiến nhất trí với quy định này, theo đó HGV có thể tiến hành hòa giải tại các Tòa án khác ngoài Tòa án họ được bổ nhiệm nhưng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, TP nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở.

Về trình tự nhận xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định HGV, nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo Luật, đó là ngay khi nhận được đơn khởi kiện/ đơn yêu cầu, Tòa án thông báo bằng văn bản để đương sự biết và thực hiện quyền lựa chọn hòa giải hay theo thủ tục tố tụng tại Tòa án. Bên cạnh đó có một số ý kiến đề nghị, khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải hỏi các bên trước khi chuyển sang thụ lý theo thủ tục hòa giải để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.

Về thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải/đối thoại thành tại Tòa án quy định Điều 32, nhiều ý kiến tán thành; một số ý kiến cho rằng do tính chất quan trọng của quyết định công nhận kết quả hòa giải/đối thoại thành nên cần quy định mở phiên họp công nhận với thủ tục thành phần quy định tại Chương 33 của Bộ luật TTDS. Một số ý kiến khác đề nghị quy thủ tục Tòa án quyết định công nhận kết quả hòa giải/đối thoại thành là thủ tục bắt buộc sau khi hòa giả; rút ngắn thời gian ra quyết định công nhận hòa giải/đối thoại thành xuống từ 5 đến 7 ngày.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại, đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng- Thái Bình, đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường đối với HGV khi để xảy ra vi phạm trong bảo mật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, nhìn chung các đại biểu nghiên cứu kỹ dự thảo Luật và phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn. Qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản tán thành với bản giải trình tiếp thu của UBTVQH và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Vì vậy đề nghị UBTVQH nghiên cứu, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua dự án Luật này.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/du-thao-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-thiet-che-hoa-giai-moi-duoc-xa-hoi-ky-vong-344596.html