Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Nhiều vấn đề được DN quan tâm

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này có nhiều vấn đề về giao thông đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Đây là đánh giá của phần lớn chuyên gia tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

 Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2020.

Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2020.

Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Luật Giao thông đường bộ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, dù đã được sửa đổi nhưng Luật Giao thông đường bộ hiện thời đã bộc lộ một số bất cập nhất định, chưa theo kịp với sự phát triển của đời sống kinh tế hiện đại. Theo đó, vẫn tồn tại sự chồng chéo giữa các quy định và thủ tục dẫn tới sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan Nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Thêm vào đó, giao thông đường bộ đang là nút thắt cả về phần cứng và phần mềm, phí vận tải xếp vào nhóm cao trong khu vực, số người chết vì tai nạn giao thông cao. Nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông và quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp thực tiễn, chưa phát huy được tối đa các tính năng công nghệ đã áp dụng.

Theo ông Lộc, dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần này có nhiều vấn đề về giao thông đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, trong đó có việc phân loại các loại hình vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải, cấp phép điều hành giao thông thông minh, quản lý điều hành cao tốc…

Do đó, việc sửa đổi luật cần phải có tầm nhìn xa nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn đất nước, dễ dàng đi vào thực tế, tránh tình trạng luật ra rồi vẫn gây tranh cãi hoặc vừa ra đã phải sửa. Một số ý kiến cũng cho rằng, những nội dung sửa đổi trong luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhưng cũng phải tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, chứ không phải mỗi quy định mới lại giống như một rào cản, làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp, người dân. Ví dụ, cần cân nhắc việc yêu cầu lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc có giấy phép lái xe phải có thêm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.

Đại diện phía doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Tương cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ tập trung vào các nội dung về quy tắc an toàn giao thông đường bộ, chưa chú trọng tới các vấn đề khác có liên quan như vận tải hàng hóa. Vấn đề hợp tác quốc tế chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật, trong khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định khu vực có liên quan về vận tải đường bộ. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên quy định rõ các nội dung về vận chuyển hàng hóa, hợp đồng vận chuyển, tình trạng hàng hóa và quy định trách nhiệm của tập thể, cá nhân người vận chuyển. Ngoài ra, cần quy định cụ thể về vận tải đa phương thức và các cơ chế chính sách phát triển loại hình dịch vụ này.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Vẫn nhiều quy định cứng nhắc và dựa vào các mô hình quản lý cũ.

Cụ thể hơn, theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương- Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, dự thảo chưa đưa ra được những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Nhiều điều kiện kinh doanh không xuất phát trực tiếp từ yêu cầu bảo đảm lợi ích của xã hội và khách hàng mà chỉ phục vụ cho sự thuận tiện của công tác quản lý. Quy định trong dự thảo luật này còn cứng nhắc và phần lớn dựa vào các mô hình quản lý cũ, chưa có tư duy đổi mới để phù hợp với tình hình công nghệ phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần bổ sung các quy định riêng về điều kiện kinh doanh cho loại hình mới bởi các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường kinh doanh vận tải của cả nước.

Đối với quy định mọi loại hình vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ đều bị coi là taxi, xe hợp đồng được quy định tại Khoản 5, 6 Điều 117 của dự thảo Luật, bà Thảo nhấn mạnh, xe hợp đồng dưới 9 chỗ là một mảng dịch vụ lớn, phục vụ một nhu cầu thực tế của xã hội. Nếu loại hình này bị bãi bỏ, người tiêu dùng sẽ mất đi một sự lựa chọn sử dụng phương tiện phù hợp với điều kiện của mình nhất. Chẳng hạn, có rất nhiều đơn vị hoặc cá nhân không mua ô tô riêng mà thuê ô tô dưới 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) để phục vụ nhu cầu đi làm, đi họp, đi công tác theo giờ, ngày, tuần. Trong trường hợp này, đi taxi hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của họ.

Hơn nữa, nhà nước đang có chủ trương hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông. Trong bối cảnh đó, nhu cầu sử dụng xe hợp đồng dưới 9 chỗ của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, theo bà Thảo, việc bãi bỏ loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ giảm đi sự lựa chọn của khách hàng, buộc họ phải quay lại sử dụng xe cá nhân.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chinh-sach-moi/du-thao-luat-giao-thong-duong-bo-sua-doi-nhieu-van-de-duoc-dn-quan-tam-8128.html