Dự thảo Luật Giáo dục Đại học: Nhiều vấn đề chưa quy định công khai, minh bạch

Góp ý cho dự thảo luật Giáo dục Đại học, các đại biểu nêu rõ và đề nghị quy định phải công khai, minh bạch trong hàng loạt vấn đề như: Cách thức chọn hiệu trưởng; số liệu, báo cáo của trường đại học hay chế tài xử lý các sai phạm của các tổ chức xếp hạng…

Cần kiểm soát kết quả kiểm định chất lượng giáo dục

Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, Điều 9 về xếp hạng cơ sở giáo dục ngành đào tạo quy định, các cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước và quốc tế. Tại khoản 3 quy định các pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng giáo dục đại học.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học là một vấn đề còn rất mới ở nước ta. Thời gian qua, một số chuyên gia giáo dục đã phân tích những điểm tồn tại của các hệ thống xếp hạng đại học phổ biến trên thế giới. Ngoài ra, trong hai, ba năm gần đây rất nhiều trường đại học Việt Nam đã được tổ chức kiểm định trong nước kiểm định chất lượng. Các kết quả kiểm định này đã gây không ít hoài nghi về tính khách quan, minh bạch của một số tổ chức kiểm định.

Kiến nghị chưa nên đưa vào luật cho phép các cơ sở trong nước dù là các pháp nhân phi thương mại triển khai các hoạt động xếp hạng, đại biểu tỉnh Lào Cai cho rằng, điều quan trọng hơn cần phải làm ngay là có các điều, khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu báo cáo của trường công bố cho xã hội, cho cơ quan quản lý nhà nước, cho các bên liên quan khác.

“Việc công bố số liệu cần được giám sát và xử phạt thật nghiêm. Những trường hợp không trung thực hoặc cung cấp không đầy đủ số liệu liên quan đến chất lượng, khi nào những việc này được chấn chỉnh xong thì xếp hạng mới có thể là thực chất” - đại biểu Lê Thu Hà nói.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai)

Cũng góp ý cho điều khoản về kiểm định chất lượng giáo dục, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn với quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học trong khi dự thảo luật chưa quy định chặt chẽ cơ chế thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước để kiểm soát kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đối với các tổ chức kiểm định chất lượng này, chưa quy định minh bạch về cơ chế chịu trách nhiệm trước pháp luật và chế tài xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức kiểm định chất lượng khi cho ra kết quả kiểm định chất lượng không đúng.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị cần nghiên cứu quy định chặt chẽ chế tài xử lý, biện pháp thực hiện, tạo sự cạnh tranh lành mạnh đối với các tổ chức kiểm định chất lượng. Cùng với đó là có cơ chế thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng cần được cụ thể, rõ ràng, công khai.

Đại biểu Ninh Thuận đề nghị, để tránh các cơ sở giáo dục đại học không thực hiện các quy định, các cam kết đảm bảo chất lượng hoạt động, cần quy định rõ ràng công khai chế tài xử lý, tránh tạo kẽ hở pháp luật cho tiêu cực. “Việc này cũng là điều kiện để cho người học và xã hội thực hiện công tác giám sát và đề nghị xử lý trách nhiệm, nếu không thực hiện việc đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học” - đại biểu tỉnh Ninh Thuận phân tích.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương

Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, tự chủ đại học phải đi kèm với trách nhiệm giải trình của các cơ sở đại học và Nhà nước cần ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục đại học, đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn thuyết phục, lượng hóa được bộ tiêu chí, số liệu minh bạch được cộng đồng các trường đại học thống nhất cao, quy trình chặt chẽ, khoa học công khai.

Ngoài ra, theo đại biểu Vượt, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, do vậy, chỉ có văn bản luật và nghị định mới có thể quy định về điều kiện kinh doanh.

“Vậy, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng gồm điều kiện gì, chu kỳ kiểm định, kiểm định đột xuất, kiểm định bắt buộc, tiền kiểm hay hậu kiểm và trình tự thủ tục lập, hoạt động ra sao, có thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục quy định trong dự thảo luật hay không cần được xem xét, quy định rõ” - đại biểu tỉnh Gia Lai đề nghị.

Cần quy định rõ hình thức tuyển hiệu trưởng

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) băn khoăn, quy định Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do Hội đồng trường đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận là chưa rõ ràng, thiếu công khai, minh bạch và sẽ khó tìm được hiệu trưởng giỏi cho nhà trường.

“Tôi đề nghị quy định rõ hơn hội đồng trường đại học quyết định là quyết định bằng hình thức nào: thi tuyển, xét tuyển hay bình bầu qua phiếu đối với bình chọn hiệu trưởng vì có thể có nhiều ứng viên đảm bảo tiêu chí theo yêu cầu của Hiệu trưởng. Vậy, ta chọn ai giỏi trong số người này để làm hiệu trưởng. Nếu làm như vậy sẽ đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho nhiều người giỏi có cơ hội tham gia làm lãnh đạo cơ sở giáo dục đaịo học công lập, góp phần xây dựng được nhiều trường đại học có thương hiệu của Việt Nam” - đại biểu tỉnh Bình Định nói.

Góp ý cho Dự thảo luật Giáo dục Đại học, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần ghi rõ trong luật rằng, cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả lao động.

“Chữ "chủ sở hữu" rất quan trọng vì chủ sở hữu là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự.”

Thứ hai, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Hội đồng trường phải bầu trong những người mà chủ sở hữu thấy đảm bảo quyền đại diện cho mình. Hội đồng trường tuy là người có thể ngoài nhà nước nhưng phải đại diện chủ sở hữu trong nhà nước. Quy trình và danh sách dự kiến Hội đồng trường phải được chủ sở hữu duyệt trước. Còn sau đó hội đồng trường sẽ bầu, bầu xong chủ sở hữu ra quyết định công nhận thủ tục.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/du-thao-luat-giao-duc-dai-hoc-nhieu-van-de-chua-quy-dinh-cong-khai-minh-bach-618695/