Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Tháo gỡ sự 'lép vế' của đơn vị phát hành phim 'nội'

Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim tại Việt Nam khiến các doanh nghiệp 'nội' tỏ ra dè chừng và e ngại. Vì thế mà trong góp ý xâ dựng Luật Điện ảnh sửa đổi, không chỉ những người làm công tác quản lý điện ảnh mà cả đơn vị phát hành phim trong nước cũng nhận ra điều này và mong muốn có chính sách phát triển hệ thống rạp chiếu nội địa cũng như mở rộng đối tượng những đơn vị được phép nhập khẩu phim.

Sau cuộc tọa đàm diễn ra tại TP.HCM, Cục Điện ảnh - Bộ VHTT&DL tiếp tục tổ chức một buổi tọa đàm nữa tại Hà Nội để lắng nghe góp ý và lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi. Tại đây, dựa vào bảng thống kê số lượng rạp tại Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2018 được công bố tại buổi tọa đàm, có thể nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ số lượng rạp từ con số 14 lên 180 cụm rạp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thì trong số này, chủ yếu là sự nở rộ của các đơn vị tư nhân nước ngoài, cụ thể là hai nhà phát hành phim lớn hàng đầu Hàn Quốc - CGV và Lotte; còn số lượng cụm rạp của các cơ sở điện ảnh Nhà nước tăng không đáng kể dù một số đơn vị tư nhân như Galaxy, BHD cũng đã cố gắng xây dựng hệ thống cụm rạp riêng. Điều này theo ông Nguyễn Danh Dương cho thấy, sự phát triển về hạ tầng cơ sở trên thực chất không phải do nội lực của các đơn vị trong nước, do vậy tiền lấy lại được thực chất không đáng kể. Người đứng đầu Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng lấy làm tiếc vì bảng khảo sát và thống kê trên lại do một đơn vị phát hành phim nước ngoài chứ không phải cơ quan hay đơn vị nào trong nước thực hiện.

Không chỉ băn khoăn về sự yếu thế của hệ thống cụm rạp “nội” so với hệ thống cụm rạp “ngoại”, ông Nguyễn Danh Dương bày tỏ sự đáng tiếc khi “lĩnh vực công nghiệp giải trí như điện ảnh mang đầy màu sắc văn hóa được nước ngoài quan tâm nghiên cứu và đầu tư trong khi toàn bộ hệ thống chiếu phim ở các tỉnh thành lại phải gộp vào các trung tâm thông tin văn hóa” nên không “sống” nổi. Đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi nếu cứ duy trì tình trạng này thì chỉ trong 5-7 năm nữa việc số lượng các cụm rạp nước ngoài tại Việt Nam chiếm tới 90% là hoàn toàn có thể (hiện con số này đang dừng ở mức gần 60%). Do vậy, việc tách riêng hoạt động của các trung tâm phát hành, chiếu phim ở các tỉnh, thành, không sáp nhập vào các trung tâm thông tin văn hóa là điều cần tính tới.

Hệ thống cụm rạp CGV đang chiếm số lượng áp đảo tại thị trường phát hành phim Việt Nam

Hệ thống cụm rạp CGV đang chiếm số lượng áp đảo tại thị trường phát hành phim Việt Nam

“1 cụm rạp nội địa ở các tỉnh thành thông thường có 3 đến 7 phòng chiếu, như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia có 12-14 phòng chiếu, đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Từ thực tế này, đề nghị có một số giải pháp về luật Điện ảnh để điện ảnh Việt Nam có thể phát triển được.” – ông Nguyễn Danh Dương chia sẻ.

Một vài giải pháp được ông Nguyễn Danh Dương đề xuất là ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, phát hành, có cơ sở chiếu phim; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước với điện ảnh…Đặc biệt, quy định về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam như mức 20-30% hiện nay theo ông Nguyễn Danh Dương là “các nhà sản xuất trong nước thừa khả năng làm hơn thế”, quan trọng là có cách gì để tỷ lệ các phim vào rạp đều bình đẳng như nhau, sát hơn nữa là quy định về giờ chiếu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Danh Dương cũng cho rằng cần phải tháo gỡ quy định không cho phép các đơn vị Nhà nước nhập khẩu và phát hành phim. Ví dụ như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đang hoạt động với cơ chế tự chủ 100% và hoàn toàn có thể làm được việc nhập khẩu phim.

Từng giữ vai trò Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS Ngô Phương Lan nói thêm, đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp muốn nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim là rất quan trọng và cần phải tính đến phương án phát triển rạp chiếu của các công ty, đơn vị trong nước. TS Ngô Phương Lan cho biết, để làm được điều này thì cần quan tâm đến việc ứng xử với các nhà đầu tư nội trong việc xây dựng rạp chiếu trong nước. Bà cũng lấy ví dụ ở Hàn Quốc thì 2 đơn vị phát hành hàng đầu của nước này đều là đơn vị trong nước (CGV, Lotte), chiếm tới 90% thị trường phát hành phim ở xứ sở Kim chi; trong khi đó con số hệ thống rạp chiếu nội địa ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%. Ở một số nước lân cận trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Maylaysia…tỷ lệ hệ thống cụm rạp nội địa cũng áp đảo so với cụm rạp nước ngoài.

Tại cuộc tọa đàm, TS Ngô Phương Lan cũng nhắc đến sự phát triển như vũ bão của các hãng phim tư nhân, cụ thể đến cuối năm 2018 thì số lượng các hãng này đã lên tới 500 hãng. Tuy nhiên trên thực tế thì chỉ có khoảng 20-30 hãng duy trì hoạt động sản xuất phim đều đặn, khoảng chục hãng sản xuất được 2-3 phim, còn lại 450 hãng “ngồi chơi xơi nước”. Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, điều cần thiết là phải tính đến phương tiện phát hành phổ biến phim ở thời đại kỹ thuật số này, nhất là khuyến khích phổ biến rộng rãi các phim có nội dung tốt, giá trị nhân văn và tính giáo dục cao.

Phim "Kong: Skull Island" từng lấy bối cảnh quay chính tại Việt Nam

TS Ngô Phương Lan nhấn mạnh, trong Luật Điện ảnh sửa đổi cũng nên tính đến việc ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay.

“Theo khảo sát của tôi thì ở các nước trong khu vực châu Á và trên thế giới, họ khuyến khích bằng tiền, trả lại 15-20% tiền cho đoàn phim nên thu hút được rất nhiều đoàn phim nước ngoài vào, còn ở Việt Nam thì con số này bằng 0. Song song đó, chúng ta cũng nên ưu đãi cho nhà sản xuất phim trong nước bằng cơ chế chính sách cụ thể như thuế. Bên cạnh việc ưu đãi cho phim nước ngoài thì ưu đãi cho nhà làm phim trong nước là gì, đấy mới là quan trọng, là bộ mặt và cơ thể khỏe mạnh của mình. Việc mở rộng gial lưu với nước ngoài theo tôi cũng quan trọng nhưng ko phải cái chính trong chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh.” – TS Ngô Phương Lan khẳng định.

Được biết, bản dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý văn hóa, cụ thể là Cục Điện ảnh tham vấn ý kiến rộng rãi trước khi được lãnh đạo Bộ VHTT&DL trình Chính Phủ thông qua.

Như Ý

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/du-thao-luat-dien-anh-sua-doi-thao-go-su-lep-ve-cua-don-vi-phat-hanh-phim-noi/822715.antd