Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Hoàn thiện hành lang kinh tế thị trường

Trước thực trạng doanh nghiệp 'cậy lớn' thao túng giá, lũng đoạn thị trường, sử dụng hành vi cạnh tranh không lành mạnh để chèn ép đối thủ, Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận được kỳ vọng sẽ tạo sự minh bạch, hạn chế 'cá lớn nuốt cá bé'…

Câu chuyện của Công ty CJ - CGV (thuộc CJ Group của Hàn Quốc) chèn ép 8 doanh nghiệp Việt Nam theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” càng bộc lộ những lỗ hổng lớn của Luật Cạnh tranh hiện hành cũng như thực trạng triển khai.

CGV được cho là hiện tượng làm bộc lộ lỗ hổng trong quản lý của Luật Cạnh tranh

“Cá lớn nuốt cá bé”

ĐB QH Vũ Tiến Lộc- Chủ VCCI (Đoàn Thái Bình) đánh giá, sau 12 năm thực thi thì tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt. Minh chứng là, số lượng vụ việc được kết luận là hạn chế cạnh tranh thì rất ít và trong 12 năm mới có 8 vụ điều tra chính thức…

Không những vậy, thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Bình Thuận) cho biết, tại Khoản 1 Điều 20 của Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định, các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Sau 12 năm thực thi, tác động của Luật Cạnh tranh rất mờ nhạt. Số lượng vụ việc được kết luận là hạn chế cạnh tranh rất ít và trong 12 năm mới có 8 vụ điều tra chính thức.

Theo đại biểu Cương, hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là CGV (chiếm 43%), Lotte (chiếm 20%). Đặc biệt, doanh nghiệp CGV nắm tới 80% quyền sở hữu dù Luật Điện ảnh chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ không quá 51%. Đồng thời nếu thực hiện yêu cầu của CGV là các doanh nghiệp trong nước cùng thống nhất và ký vào một bản đề xuất về tỷ lệ ăn chia để CGV xem xét thì các doanh nghiệp Việt lại vi phạm Luật Cạnh tranh hiện hành.

Ngoài ra, ĐB Cương cho rằng, khoản 1 Điều 26 của Luật Cạnh tranh 2004 quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp Việt có thị phần 30% thị trường có liên quan là một quy định bất hợp lý. Vì trong trường hợp này thị trường tồn tại một doanh nghiệp khác là CGV chiếm hơn 40% rạp chiếu và khoảng 60% phát hành thì nhóm doanh nghiệp Việt có thị phần 30% không thể coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được. Do vậy, tiêu chí này phải được sửa đổi ở trong luật là "có thị phần lớn nhất nhưng không thấp hơn 30% thị trường có liên quan" để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thực tế.

Trước những bất cập trong Luật Cạnh tranh sau hơn 12 năm thực thi, ĐBQH Triệu Tài Vinh (Đoàn Hà Giang) nêu ý kiến về việc Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có thể xung đột với các luật khác.

ĐB Vinh dẫn chứng xung đột giữa những người nuôi giống ong truyền thống tại tỉnh Hà Giang với một số người nuôi giống ong nhập khẩu ở địa phương khác khi đưa đàn ong về địa bàn tỉnh Hà Giang. Sự việc xảy ra, người đứng ra bảo vệ tự do thương mại, người khác lại cho rằng cần bảo vệ tính đa dạng sinh học dẫn đến xung đột pháp lý kéo dài...

Cần bảo vệ “Hiến pháp” của kinh tế thị trường

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia, một số đại biểu cho rằng, cơ quan cạnh tranh quốc gia độc lập phải thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đánh giá, chức năng của cơ quan cạnh tranh quốc gia là tham mưu, xử lý nhiều lĩnh vực. Nếu cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương liệu có giải quyết được tất cả các vụ cạnh tranh không lành mạnh?

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, có thể xem Luật Cạnh tranh là “hiến pháp” của nền kinh tế thị trường bởi nguyên tắc nền tảng để hướng đến kinh tế thị trường là bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới thì Luật Cạnh tranh càng trở nên quan trọng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh, hoàn thiện thể chế cạnh tranh là để tăng cường tính minh bạch, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Tuy nhiên, luật mới không được chồng chéo, mâu thuẫn với các điều luật khác đã ban hành. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi xác lập ngoài lãnh thổ Việt Nam cần có những cơ chế bảo đảm khả thi.

Dự luật mới được kỳ vọng sẽ khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, điều tiết nền kinh tế thị trường trước những tác động bất lợi do quá trình tự do hóa thương mại.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-thao-luat-canh-tranh-sua-doi-hoan-thien-hanh-lang-kinh-te-thi-truong-120299.html