Dự thảo Luật Biên phòng chồng chéo với Luật Hải quan

Ngày 3/11/2020, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Quốc hội, cho rằng, dự án Luật Biên phòng Việt Nam còn nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng lấn với một số nội dung của Luật Hải quan cần phải chỉnh lý, sửa đổi cho phù hợp.

Theo Điều 88, Luật Hải quan, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ "kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Tổng cục Hải quan cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, hải quan phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo quản lý nhà nước về ngoại thương và thu thuế cho ngân sách nhà nước (biên phòng không có chức năng này). Cơ quan hải quan xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống máy soi chiếu… phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, cần phải tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (phân luồng tờ khai: xanh, vàng, đỏ theo thông lệ quốc tế), đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát, quản lý xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan của hải quan.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng, quy định nhiệm vụ của biên phòng là “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Tổng cục Hải quan cho rằng, tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động thực vật, kiểm dịch y tế, công an…. Quy định như trên được hiểu Biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của Bộ đội Biên phòng là đảm bảo thi hành pháp Luật Biên phòng.

Bộ đội Biên phòng sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ. Ảnh minh họa

Bộ đội Biên phòng sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ. Ảnh minh họa

Tại khoản 1, Điều 88 Luật Hải quan quy định: “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý”.

Như vậy, Luật Hải quan đã giao hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Dự thảo Luật Biên phòng quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với Luật Hải quan.

Tại khoản 5, Điều 13 dự thảo Luật Biên phòng quy định về nhiệm vụ của Biên phòng: “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm soát qua lại biên giới”; khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật Biên phòng qui định, “Áp dụng các hình thức kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo pháp luật”. Theo Tổng cục Hải quan, qui định Bộ đội Biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới là nội dung không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát, có thể hiểu là kiểm soát toàn bộ các hoạt động qua lại biên giới bao gồm hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh. Điều này trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được Luật Hải quan qui định, dẫn đến 02 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 01 phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu; không phù hợp với chủ trương tạo thuận lợi thương mại, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, gây phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí (vì hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế thì biên phòng lại làm thủ tục, kiểm tra lại); không phù hợp với thông lệ quốc tế và cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu; không phù hợp với thông lệ quốc tế Việt Nam đã ký kết như Công ước Quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1999, quy định: “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra hải quan”.

Tổng cục Hải quan cho biết, thực tiễn Bộ Quốc phòng đã phải bỏ quy định về kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu khi ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Chính phủ đã có Nghị Quyết số19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 chỉ đạo Bộ Quốc phòng nghiên cứu đề xuất sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh bộ đội biên phòng về thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát phương tiện...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-thao-luat-bien-phong-chong-cheo-voi-luat-hai-quan-146825.html