Dư nợ bảo lãnh Chính phủ giảm còn hơn 11 tỷ USD

Báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý vay nợ, hạn chế cấp bảo lãnh của Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ cho biết dư nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng giảm dần qua các năm đến năm 2020 theo lộ trình dự kiến.

Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Dư nợ bảo lãnh chính phủ giảm dần đúng lộ trình

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011 - 2015, việc cấp bảo lãnh chính phủ (BLCP) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án, với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD. Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hầu hết là vay nước ngoài (14 tỷ USD/15,6 tỷ USD), với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm. Tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh trong giai đoạn này đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010 (tổng trị giá tương đương 5,75 tỷ USD). Nghĩa vụ nợ dự phòng từ BLCP là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong các năm tiếp theo.

Để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát an toàn nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020, từ cuối năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn ròng hàng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỷ USD và trong nước là 5.000 tỷ đồng nhằm giảm dần tác động của vốn vay được BLCP lên nợ công, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP theo kịch bản đã trình Quốc hội (với giả định GDP dự kiến tăng 6,5 - 7%/năm và lạm phát khoảng 5%/năm).

Từ năm 2016, việc cấp BLCP cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Với việc ra đời của Luật Quản lý nợ công năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ điều hành BLCP giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo dư nợ BLCP năm 2020 không vượt quá dư nợ năm 2015.

Cụ thể, năm 2016, Bộ Tài chính chỉ cấp BLCP cho 1 dự án vay nước ngoài với trị giá bảo lãnh là 170 triệu USD. Năm 2017, không có dự án đầu tư nào được cấp BLCP cho khoản vay mới mặc dù có một số dự án đăng ký từ năm 2016 đã dự kiến chuyển sang năm 2017 do không thể hoàn thành việc thu xếp vốn với các đối tác nước ngoài (tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ USD, hầu hết là các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện).

Năm 2018, Bộ Tài chính đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh cho 2 dự án đầu tư trong lĩnh vực điện (nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng của EVN và Sông Hậu 1 của PVN) vay nước ngoài với trị giá là 1.614 triệu USD. Trong năm này, Bộ Tài chính không thực hiện cấp BLCP cho các dự án vay vốn trong nước.

Năm 2019, công tác cấp và quản lý BLCP tiếp tục bám sát chủ trương quản lý chặt chẽ. Bộ Tài chính không thực hiện thẩm định và cấp BLCP cho các khoản vay mới trong và ngoài nước để đầu tư các dự án.

Việc hạn chế cấp BLCP cho các dự án mới trong những năm qua đã dẫn đến tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng giảm dần qua các năm đến năm 2020 theo lộ trình dự kiến.

Cụ thể, dư nợ gốc BLCP năm 2016 là 13,039 tỷ USD, đến hết năm 2019 giảm còn 11,027 tỷ USD. Tỷ lệ dư nợ BLCP/dư nợ công giảm tương ứng từ 16,1% năm 2016 xuống 12,2% năm 2019. Tỷ lệ dư nợ/GDP giảm tương ứng là 10,3% xuống 6,7%.

Tổ chức huy động vốn vay chặt chẽ, tiết kiệm

Cùng với đó, về quản lý nợ của Chính phủ, báo cáo cho biết việc tổ chức huy động vốn vay của Chính phủ theo đúng nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và dự toán NSNN hàng năm.

Trong năm 2019, trên cơ sở tình hình thu, chi NSNN, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN. Bên cạnh đó, để góp phần giãn nghĩa vụ trả nợ của ngân sách trong giai đoạn 2020-2021, đồng thời kéo dài danh mục nợ TPCP, Bộ Tài chính đã thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ của Chính phủ thông qua phương thức đấu thầu hoán đổi 2.831 tỷ đồng TPCP trong năm 2019. Đối với năm 2020, tổng khối lượng phát hành TPCP 9 tháng đầu năm là 223,342 nghìn tỷ đồng, tương đương 72,26% kế hoạch. Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP 9 tháng đầu năm đạt 13,21 năm và mức lãi suất phát hành bình quân khoảng 2,94%/năm.

Đối với vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, định kỳ công khai đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã ký kết 9 hiệp định vay với tổng trị giá khoảng 957 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 (từ 1/1 - 29/9/2020), rút vốn nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.412 triệu USD (tương đương khoảng 32.721 tỷ đồng, đạt khoảng 30,5% kế hoạch cả năm), trong đó cấp phát khoảng 940 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 473 triệu USD (không bao gồm các khoản rút vốn có thể đã được các nhà tài trợ giải ngân nhưng chưa thông báo cho Bộ Tài chính).

Trong 9 tháng đầu năm 2020 chưa cấp BLCP cho dự án mới. Dư nợ Chính phủ bảo lãnh tiếp tục giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 9/2020, dư nợ Chính phủ bảo lãnh tiếp tục giảm khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng (tương đương mức giảm 7,6%) so với cuối năm 2019 chủ yếu do các dự án vay trong nước, nước ngoài tiếp tục trả nợ ròng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-21/du-no-bao-lanh-chinh-phu-giam-con-hon-11-ty-usd-93870.aspx