Du nhập nghề sơ chế tổ yến, tạo việc làm cho nhiều lao động

Không phải ly hương, nhiều lao động đã có thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng mỗi tháng nhờ sơ chế tổ yến tại Công ty CP Dịch vụ Yến sào VietNest ở thôn 9, xã Yên Phong, huyện Yên Định. Đây là kết quả từ việc du nhập nghề mới vào địa phương của một nữ giám đốc trẻ.

Năm 2018, chị Nguyễn Thị Tâm ở xã Yên Phong đã du nhập nghề sơ chế tổ yến sào để khởi nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Nhờ tìm được đầu ra ổn định, đến năm 2020, chị thành lập Công ty CP Dịch vụ Yến sào VietNest để thuận lợi hơn trong phát triển quy mô cũng như xuất khẩu sản phẩm.

Đến nay, tầng 2 ngôi nhà rộng cả trăm m2 của gia đình chị đã trở thành cơ sở sơ chế, đóng hộp sản phẩm yến sào. Sản phẩm tổ yến thô của nhiều cơ sở nuôi chim yến trong tỉnh Thanh Hóa được công ty thu mua về đây để sơ chế.

Quy mô sản xuất chưa phải lớn, nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được bà chủ trẻ rất chú trọng. Các công nhân trước khi vào phòng sơ chế phải thay đồng phục, bỏ đồ dùng cá nhân vào ngăn tủ quy định, đeo khẩu trang và găng tay…

Tổ yến nhập về phải phân thành nhiều loại theo màu sắc, kích cỡ, tổ sứt vỡ nhiều hay ít, tổ lẫn nhiều hay ít tạp chất… Với những tổ có dính tạp chất khô, phải dùng máy chà mi ni mài hết mới sơ chế nhằm bảo đảm vệ sinh.

Tổ yến thô nhập về hầu như đều dính lông chim và nhiều tạp chất.

Sản phẩm tiếp tục được ngâm trong nước và đưa vào môi trường bảo ôn lạnh làm mềm để dễ làm sạch.

Những công nhân dùng nhíp nhọn, tỉ mỉ nhặt từng sợi lông và tạp chất bé xíu.

Sau các khâu vệ sinh làm sạch, tổ yến tiếp tục được ngâm và ủ lạnh để định hình lại vào các khuôn Inox...

... sau đó tiếp tục được chuyển qua kho sấy lạnh ở nhiệt độ 16 độ C và quạt công nghiệp để hong khô trong khoảng từ 20 đến 24 giờ.

Những tổ yến trắng ngần, khô cong với yêu cầu độ ẩm chỉ dưới 1% mới được lựa chọn để đóng hộp.

Giám đốc Nguyễn Thị Tâm giám sát và hướng dẫn công nhân các khâu sơ chế.

Hiện nay, sản phẩm yến sào của công ty đã được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản Thanh Hóa cấp Giấy Chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm. Năm 2020, tổ yến nhãn hiệu “VTA Nest” cũng lọt vào tốp 30 thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2020; Sản phẩm Dịch vụ Xuất sắc năm 2020 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng.

Với nhiều khâu sơ chế tỉ mỉ, hiện Công ty CP Dịch vụ Yến sào VietNest đã cho ra đời hơn 20 mẫu mã sản phẩm yến tinh chế khác nhau với tên thương mại là “VTA Nest”. Giai đoạn 2018 - 2019, trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu tới 40 kg tổ yến tinh chế qua các công ty trung gian, cung ứng đi các thị trường trong nước khoảng 70 kg. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 khiến tình hình xuất khẩu giảm mạnh, thời gian gần đây, công ty đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Những tháng đầu năm 2021 đơn vị bán ra thị trường từ 50 đến 70 kg yến sào thành phẩm mỗi tháng.

Nói về hiệu quả sản xuất, giám đốc trẻ Nguyễn Thị Tâm, chia sẻ: Những năm trước, doanh thu của công ty đạt trung bình 3 tỷ đồng/tháng, nay do dịch bệnh COVID-19 nên cơ sở thu hẹp từ 2 cơ sở sản xuất thành 1 nên doanh thu mỗi tháng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

Từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hơn 10 lao động hiện đang có việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 7 đến 12 triệu đồng/tháng. Người lao động được đóng Bảo hiểm Xã hội và bảo đảm các quyền lợi liên quan. Chị Lê Thị Trang, quê xã Yên Hùng, huyện Yên Định, cho biết: Tôi đã từng làm công nhân may mặc, nhưng thu nhập thấp hơn mà vất vả hơn nhiều. Tôi thấy điều kiện làm việc ở đây tốt hơn, nhẹ nhàng mà thu nhập lại cao.

Đến cuối tháng 5 - 2021 sản phẩm yến sào “VTA Nest” đang được Công ty và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định triển khai các hồ sơ để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/du-nhap-nghe-so-che-to-yen-tao-viec-lam-cho-nhieu-lao-dong/19700.htm