Du ngoạn trên sông Ba Chẽ

Hiền hòa, uốn lượn quanh huyện vùng cao Ba Chẽ, sông Ba Chẽ không chỉ đẹp như dải lụa vàng, mềm mại mà còn là 'nguồn sống' nuôi xanh tốt những cánh rừng, làm nên những trang trại đặc sản như: Mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm...

Dòng sông lại càng đẹp, ý nghĩa và bất diệt trong tâm thức, ký ức của nhiều thế hệ người dân Ba Chẽ bởi chiến tích lịch sử oanh liệt trên sông Cổ Ngựa. Hiện di tích đang được huyện Ba Chẽ quan tâm đầu tư, phát huy giá trị trong tuyến du lịch phát huy giá trị văn hóa, lịch sử riêng có của khu vực này.

Nằm ở phía Đông Nam trung tâm huyện, di tích đoạn sông Cổ Ngựa cách trung tâm huyện Ba Chẽ khoảng 7km theo đường sông và 15km theo đường bộ. Sông Ba Chẽ dài 80km, đến đây sông được chia ra 2 dòng: 1 dòng phía bên phải đi theo cầu Ba Chẽ và có 1 nhánh đi vào thôn Làng Mới, dòng bên trái là chính là đoạn sông Cổ Ngựa.

Du thuyền lễ hội trên sông Ba Chẽ đoạn ngã ba sông Cổ Ngựa.

Du thuyền lễ hội trên sông Ba Chẽ đoạn ngã ba sông Cổ Ngựa.

Theo dân gian truyền lại do hình dáng đặc biệt, đoạn sông uốn cong trông rất giống phần cổ con ngựa nên người dân gọi đoạn sông này với cái tên Cổ Ngựa. Ngược dòng sông Ba Chẽ, ghé qua chiêm bái Miếu Ông - Miếu Bà linh thiêng, dừng chân ở khúc sông này, du khách sẽ được ngắm vùng hạ nguồn yên bình, tuyệt đẹp.

Theo dữ liệu lịch sử, kháng chiến chống Pháp những năm 1950-1954, xác định là địa bàn chiến lược, thực dân Pháp xây dựng nhiều đồn bốt tại huyện Ba Chẽ. Tháng 2/1951, Pháp đưa binh lính theo 4 thuyền do tướng Cairken cầm đầu, vận chuyển lương thực. Việc vận chuyển lương thực vào Ba Chẽ nhất định phải qua tuyến đường sông độc đạo này vì đường bộ lúc đó xe ô tô chưa thể vào tới phố Ba Chẽ. Nắm rõ tình hình hoạt động của địch, quy luật lên xuống của thủy triều, địa hình đường thủy, bộ đội ta đã quyết định chọn đoạn sông Cổ Ngựa làm nơi phục kích, bởi có nhiều nhánh sông nhỏ, dễ tấn công, dễ rút.

Chờ tầm chiều, đoàn thuyền chở lương thực của Pháp đến đoạn sông Cổ Ngựa khi lúc thủy triều lên, thuận lợi, lực lượng của ta gồm 64 đồng chí đã chủ động tấn công tàu lớn. Tiêu biểu có chị Hoàng Thị Vượng, người dân thôn Thủy Cơ tinh thông địa hình, đã chở bộ đội ta tiếp cận, chiến đấu đến cùng. Dưới sự anh dũng mưu trí, bộ đội ta đã giành chiến thắng tiêu diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí. Đây là trận đánh quy mô lớn, góp sức cùng các chiến thắng khác trên toàn huyện Ba Chẽ.

Chèo thuyền độc mộc cùng người Dao trên sông đoạn bán đảo Nu Tôn Chuông gần khu vực diễn ra trận chiến oanh liệt năm xưa, là một trải nghiệm thú vị.

Di tích có giá trị thẩm mỹ mang bản sắc của vùng sông núi sơn thủy hữu tình. Xung quanh di tích là một quần thể với nhiều loại địa hình sinh động đa dạng bao gồm địa hình rừng nguyên sinh (đảo Nu Tôn Chuông), bãi sông, rừng ngập nước, phối hợp hình thành một hệ thống liên hoàn, dựa vào nhau tạo ra một cảnh quan rất độc đáo.

Ngoài vẻ tuyệt đẹp của vùng sơn thủy hữu tình, du khách khi du ngoạn trên dòng sông êm đềm sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của những dãy núi, cánh rừng trải dài ngút ngàn một màu xanh và đặc biệt là cuộc sống yên bình đặc trưng của những bản người Dao bên bờ sông Ba Chẽ.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201910/du-ngoan-tren-song-ba-che-2457395/