Dù mắc bệnh gì, mình cũng là người tự cứu mình trước

Bà Trịnh Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) năm nay 75 tuổi. Hơn 2 năm trước, bà chẳng may bị ngã gãy cổ xương đùi, mới phẫu thuật, giờ đang ngồi trên xe lăn. Nhưng nghe giọng kể chuyện truyền cảm, ngắm gương mặt hồng hào và nhất là nội dung câu chuyện của bà, người nghe như được truyền nguồn năng lượng sống dồi dào, đầy cảm hứng.

Bà Thanh luôn tươi cười vui vẻ

Đủ thứ bệnh khi mới chớm 50

Bà Thanh có 15 năm công tác Tây Bắc nên được nghỉ chế độ sớm, khi mới ngoài 40 tuổi. Ngoài việc dồn sức chăm sóc, định hướng 2 con tuổi đang lớn, bà xoay ra bán tạp hóa. Nhưng bà vẫn dành thời gian vài buổi chiều về Bộ Nông nghiệp đánh cầu lông với các đồng nghiệp. Mọi người nhớ hình ảnh bà Thanh da trắng, má hồng, nụ cười tươi tắn trong trang phục thể thao trắng khỏe khoắn, đánh cầu lông rất giỏi. Và trong các cuộc đi chơi với mọi người, bà luôn là người thổi bùng lên hào hứng tham gia hát hò, nói chuyện vui.

Vậy mà bước sang tuổi 50, bà phát hiện mình bị tiểu đường. Sau đó chưa đến chục năm, bà lại bị tai biến. Và cách đây hơn 2 năm, bà bị ngã gãy cổ xương đùi, gắn với xe lăn từ đó.

Mỗi khi bà bệnh, ông luôn ở bên cạnh chăm sóc bà

Bệnh gì thì mình cũng là người cứu mình trước tiên

25 năm gắn với tiểu đường, bà không để mình bị sút cân lần nào, vẫn giữ được làn da mịn màng, hồng hào và một tinh thần phấn chấn, vui vẻ, yêu cuộc sống. Bà tự theo dõi diễn biến bệnh sát sao bằng que thử đường huyết và uống thuốc đều đặn, đúng giờ, ăn khoa học và tập thể dục đều đặn. Và rất chịu khó tìm tài liệu về bệnh để nghiên cứu, rút ra các thông tin phù hợp để chủ động trong điều trị một cách khoa học.

Khoảng năm 2000, một hôm ngủ dậy, chưa kịp nhổm đứng lên, bà thấy người quay cuồng tí ngã. Chỉ chút sa sẩm mặt mày ấy mà sau khi cấp cứu vào viện, bà bị liệt nửa người. Người phụ nữ năng động, tháo vát, ưa hoạt động bỗng nhiên phải nằm một chỗ cảm thấy bị tù túng. Nhưng bà không để cho hoàn cảnh chi phối tâm lý của mình. Bà quyết định nghỉ bán hàng, cho thuê cửa hàng và thuê bác sĩ vật lý trị liệu điều trị tích cực. Một thời gian dài vẫn đi lại kém, chân yếu hẳn, bà cũng hoang mang. May mắn, người bác sĩ vật lý trị liệu tư vấn nếu khiêu vũ thì cơ thể có tác động tích cực và toàn diện, bà đã tìm được hướng đi chính xác cho mình.

Vì trường hợp đặc biệt của mình, bà chủ động đăng báo thuê vũ sư, một chân nam, một chân nữ để có thể được hướng dẫn tốt nhất và quan sát đầy đủ các động tác chuẩn xác. Rồi rủ mọi người cùng tham gia, thành lập CLB Khiêu vũ ở hồ Đống Đa. Trở thành Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ này, bà luôn tích cực tập luyện và khích lệ mọi người tham gia đầy đủ để cả nhóm nhớ bài trình độ tương đương nhau. Bà không chỉ nhảy đẹp trong vai nữ mà có thể đi chân nam, dắt tất cả mọi người tập mọi động tác khiêu vũ từ dễ đến khó. Chỉ sau hơn 1 năm, thể trạng của bà cải thiện hẳn, lại có thể tiếp tục “đi xe máy vèo vèo và đi đến tận năm 72 tuổi, chẳng may bị ngã gãy cổ xương đùi phải ngồi xe lăn”- như lời chồng bà vui vẻ mô tả. Bà có thể “quay val tít mù” và thể hiện mọi động tác uốn dẻo thuần thục.

Bà tiếp tục cùng mọi người mở CLB Ba la chùy, Quạt, Kiếm, Thái cực quyền…, CLB nào bà cũng tham gia tích cực. Bởi vì bà nhận ra, đây không chỉ là những CLB giúp cho người cao tuổi tập luyện, sống tích cực mà còn là nơi chia sẻ buồn vui cuộc sống để cải thiện đời sống tinh thần cho “các ông bà già với nhau”.

Khi chẳng may bị ngã, bà chưa dám mổ ngay vì sức khỏe yếu. Bà tự lên kế hoạch bồi dưỡng để sức khỏe hồi phục mới thực hiện phẫu thuật. Tháng 5 vừa qua, ca mổ đã diễn ra thành công ngoài sức tưởng tượng đối với người ở tuổi bà với căn bệnh tiểu đường nguy hiểm và nhiều bệnh khác.

Bà tự nhận thời gian dài ngồi xe lăn, lại đau chân nên già đi nhiều. Nhưng nghe giọng kể chuyện nhiệt tình, truyền cảm, ngắm gương mặt hồng hào, tươi cười và nhất là nội dung câu chuyện tích cực của bà, người nghe như được truyền nguồn năng lượng sống dồi dào, đầy cảm hứng.

Anh Vũ

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/du-mac-benh-gi-minh-cung-la-nguoi-tu-cuu-minh-truoc-post43885.html