Dự luật quốc phòng Mỹ tăng mạnh ngân sách cho châu Á - Thái Bình Dương

Quốc hội Mỹ thể hiện muốn quân đội tăng cường hơn nữa sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm hôm 15/12, trong đó thể hiện lập trường cứng rắn hơn so với yêu cầu ngân sách của Nhà Trắng hồi tháng 5.

Chủ tịch Ủy ban Vũ trang Thượng viện Jack Reed, một đảng viên Dân chủ, cho biết dự luật "giải quyết một loạt các vấn đề cấp bách bao gồm cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga".

Tổng thể dự luật chi tiêu trị giá 778 tỷ USD cho năm tài chính 2022, tăng 5% so với năm 2021. Dự luật sẽ cho phép Lầu Năm Góc đóng nhiều tàu hơn và hạn chế số tàu dừng hoạt động hơn. Một phần ngân sách đặc biệt nhắm vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng gấp ba lần so với năm trước.

Một tàu ngầm tại căn cứ Mỹ ở đảo Guam. (Ảnh: Nikkei Asia)

Một tàu ngầm tại căn cứ Mỹ ở đảo Guam. (Ảnh: Nikkei Asia)

Trong đó chiều hướng "diều hâu" của các nhà lập pháp đối với Trung Quốc được nhấn mạnh bởi số tiền 7,1 tỷ USD dành cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) - nhiều hơn 5,1 tỷ USD mà chính quyền Biden yêu cầu.

PDI sẽ được sử dụng để tăng cường xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng các căn cứ và các cơ sở quân sự, cũng như cải thiện cung cấp các nguồn tài nguyên như đạn dược và nhiên liệu.

Dự luật trước đó đã được Hạ viện thông qua vào đầu tháng 12. Hiện dự luật sẽ sớm được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.

Mỹ đang tìm cách phân tán các lực lượng ở Thái Bình Dương dọc theo "chuỗi đảo thứ nhất", kéo dài qua Okinawa, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines, vì việc tập trung ở một số địa điểm có nguy cơ khiến họ dễ bị tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc.

Dự luật kêu gọi lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến trên đảo Guam, nơi có căn cứ không quân lớn của Mỹ, vì hòn đảo này được coi là mục tiêu tấn công của tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-26 của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột Mỹ-Trung ở Tây Thái Bình Dương. Một phần kinh phí của PDI dự kiến sẽ dành cho phòng thủ tên lửa.

Phương Anh(Nguồn: Nikkei Asia)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/du-luat-quoc-phong-my-tang-manh-ngan-sach-cho-chau-a-thai-binh-duong-ar652345.html