Dự luật dẫn độ gây chia rẽ Hồng Kông

Trung Quốc tuyên bố phản đối bất kỳ thế lực nước ngoài nào có hành động và phát ngôn can thiệp vào vấn đề lập pháp của Hồng Kông

Tranh cãi về dự luật dẫn độ ở Hồng Kông có nguy cơ leo thang sau khi phe biểu tình và chính quyền địa phương không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ.

Một ngày sau khi hàng trăm ngàn người dân xuống đường phản đối dự luật trên, chính quyền Hồng Kông hôm 10-6 tuyên bố sẽ không rút lại dự luật cho phép nghi phạm bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu Hồng Kông, cho rằng đây là dự luật quan trọng, giúp giữ vững công lý và bảo đảm địa phương này tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan hoạt động chống tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia.

Không những thế, theo Reuters, bà cho biết dự luật vẫn sẽ được đưa ra tranh luận tại Hội đồng Lập pháp - nơi đa số thành viên là nhân vật thân Bắc Kinh - vào ngày 12-6 tới như kế hoạch ban đầu. Một khi được thông qua, luật sẽ cho phép chính quyền Hồng Kông dẫn độ các nghi phạm, tội phạm sang các lãnh thổ mà Hồng Kông hiện không có thỏa thuận dẫn độ chính thức.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông hôm 10-6 Ảnh: Reuters

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông hôm 10-6 Ảnh: Reuters

Phản ứng trước tuyên bố của bà Lâm, phe chống đối lập tức kêu gọi một cuộc biểu tình khác trong ngày 12-6. Trước đó, các nhà tổ chức cuộc biểu tình hôm 9-6 cho biết đã có hơn 1 triệu người tham gia. Tuy nhiên, cảnh sát nói con số này chỉ lên đến 240.000 người. Cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa nhưng đến rạng sáng 10-6 đã xảy ra đụng độ bên ngoài trụ sở chính quyền khiến ít nhất 3 cảnh sát, 1 phóng viên và một số người biểu tình bị thương. 19 người đã bị cảnh sát bắt giữ sau đó.

Diễn biến nói trên đã đẩy Hồng Kông vào khủng hoảng chính trị mới, theo sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2014. Những người chỉ trích lo ngại dự luật dẫn độ khiến người dân Hồng Kông có nguy cơ đối mặt những cáo buộc không rõ ràng hoặc bị xét xử thiếu công bằng ở Trung Quốc đại lục trong lúc làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp đặc khu hành chính này. Mỹ và châu Âu cũng bày tỏ lo ngại dự luật sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế.

Đáp lại, Bắc Kinh gọi dự luật là bước đi chính thức bịt kín các lỗ hổng trong hệ thống pháp lý hiện nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10-6 tuyên bố tiếp tục ủng hộ dự luật dẫn độ và phản đối bất kỳ thế lực nước ngoài nào có hành động và phát ngôn can thiệp vào vấn đề lập pháp của Hồng Kông. Tờ China Daily cùng ngày cho rằng một số người dân Hồng Kông bị phe đối lập và các đồng minh nước ngoài của họ lừa tham gia chiến dịch chống dự luật.

Trong nỗ lực xoa dịu làn sóng phản đối, chính quyền Hồng Kông trong những tuần gần đây đã có một số nhượng bộ đáng chú ý, như loại bỏ 9 tội danh về kinh tế ra khỏi danh sách các vi phạm có thể bị dẫn độ, chỉ xem xét áp dụng dẫn độ đối với trường hợp phạm tội có mức án từ 7 năm tù trở lên (so với 3 năm tù như kế hoạch ban đầu)... Ngoài ra, yêu cầu dẫn độ chỉ có thể đến từ VKSND Tối cao Trung Quốc, thay vì chính quyền các tỉnh. Bà Lâm cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục giải thích cho người dân hiểu về dự luật bất chấp nhiều người biểu tình cho biết không còn tin chính quyền Hồng Kông sẽ giữ lời hứa.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/du-luat-dan-do-gay-chia-re-hong-kong-20190610220144843.htm