Dư luận Triều Tiên-Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh

Chỉ cách đây vài tháng, những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, song giờ đây điều đó đã thành hiện thực.

Dư luận thế giới đang hướng về làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom), nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào sáng 27/4.

Người dân Hàn Quốc tập trung ở bên ngoài làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh Yonhap

Đây cũng là sự kiện được người dân hai nước đặc biệt mong đợi, không chỉ bởi đó là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), mà còn bởi đó là biểu tượng cho hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều năm bế tắc và đối đầu căng thẳng.

Chỉ cách đây vài tháng, những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ sớm diễn ra, song giờ điều đó đã trở thành hiện thực.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo của hai nước trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ trở thành “nhịp cầu chính” kết nối những nhịp cầu hòa giải đã được tạo dựng từ 2 cuộc gặp thượng đỉnh trước, nhằm mang lại hòa bình và sự ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp này cùng với một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được lên kế hoạch vào khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cũng được xem là một cơ hội quan trọng có thể tạo đột phá cho vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, sau một năm căng thẳng lên đến cực điểm với các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dư luận hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên đều hy vọng cuộc gặp sẽ đạt được một thỏa thuận sơ bộ, mở đường cho các động thái tích cực tiếp theo.

Theo kết quả khảo sát nhanh của hãng giám sát truyền thông ATAM của Hàn Quốc sáng nay, có đến hơn 34% khán giả xem truyền hình Hàn Quốc tại thủ đô Seoul đang theo dõi truyền hình trực tiếp cuộc gặp lịch sử này.

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau tại đường ranh giới phân định hai nước, chính thức mở màn sự kiện lịch sử được trông đợi này, đã được truyền hình trực tiếp trên 3 kênh truyền hình lớn cùng 6 kênh truyền hình cáp khác tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, hàng loạt tờ báo lớn của Hàn Quốc đều đặt kỳ vọng cao vào kết quả cuộc gặp này. Các tờ báo lớn như nhật báo JoongAng Daily, Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) và Người đưa tin Hàn Quốc (Korea Herald) xuất bản bằng tiếng Anh, sáng 27/4, đều đăng xã luận về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, bày tỏ hy vọng về thành công của cuộc gặp mang tính lịch sử và kêu gọi hai bên thảo luận thẳng thắn về hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tránh lặp lại những thất bại trước đây.

Các đảng chính trị lớn ở Hàn Quốc cũng đều lên tiếng hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh lịch sử liên Triều, bày tỏ hy vọng đây là bước đi hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc kỳ vọng, hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại kết quả to lớn giúp mang lại hòa bình cho cả Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trong khi các đảng đối lập thì bày tỏ lạc quan, đồng thời kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in nỗ lực đạt thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, để đạt tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai. Thế nhưng, việc lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trực tiếp gặp nhau nhiều khả năng chưa thể giải quyết ngay được mọi chuyện liên quan vấn đề đã được coi là “hồ sơ nóng” của thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên sau 11 năm qua này vẫn được xem như một “cây cầu”, không chỉ nối đôi bờ “dòng sông chia cắt” hai nước, mà còn có thể dẫn đến con đường dài phía trước hướng tới hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên./.

Hồng Nhung/VOV1Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/du-luan-trieu-tienhan-quoc-dat-nhieu-ky-vong-ve-hoi-nghi-thuong-dinh-756091.vov