Dư luận phản ứng trao giấy phép tại điện Thái Hòa: Ông Phan Ngọc Thọ nói gì?

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã trả lời báo chí về việc trao giấy phép đầu tư tại điện Thái Hòa (Đại nội - Huế).

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ (giữa) chủ trì buổi họp báo - Ảnh: Bùi Ngọc Long

Chiều 25.1, tại họp báo thường kỳ và gặp mặt báo chí nhân dịp chào Xuân Kỷ hợi 2019 của tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của các phóng viên.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc dự luận không đồng tình việc lãnh đạo tỉnh tổ chức trao giấy phép đầu tư cho một doanh nghiệp tại điện Thái Hòa, ông Phan Ngọc Thọ nói: "Cách đây 10 năm, tại điện Thái Hòa (một di tích của cố đô Huế - PV) cũng từng có việc trao giấy phép đầu tư cho dự án Laguna. Mới đây, nhân có một dự án đầu tư quan trọng vào lĩnh vực mũi nhọn, hứa hẹn sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội của địa phương, nên từ đề xuất của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, để thể hiện sự trân trọng đối với nhà đầu tư, UBND tỉnh đã tiến hành trao giấy phép đầu tư ở điện Thái Hòa".

"Thực ra về vấn đề này là sự khác nhau quan điểm mà thôi. Điện Thái Hòa hiện nay đã mở cửa cho du khách tham quan. Hàng ngày có hàng ngàn người đã vào điện tham quan và hoạt động đó diễn ra bình thường. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người đứng đầu UBND tỉnh, tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của dư luận, của báo chí với thái độ cầu thị, trên tinh thần cái gì tốt, có lợi, ngày càng làm cho Huế đẹp thêm... thì làm", ông Thọ nói thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh THừa Thiên - Huế, Phan Ngọc Thọ (phải) trao giấy phép cho nhà đầu tư tại điện Thái Hòa - Ảnh: Cổng thông tin điện tử THừa Thiên - Huế

Trước đó, chiều 23.1, tại điện Thái Hòa, UBND tỉnh THừa Thiên- Huế trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu Liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cho Công ty Cổ phần Kim Long Nam.

Theo mô tả, dự án này có diện tích khoảng 160 ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.330 tỉ đồng, mục tiêu là lắp ráp các loại xe ô tô khách (Bus) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên với công suất 16.000 xe các loại. Trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là xe bus từ 30 đến 45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi.

Dự án này phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động sau 24 tháng.

Tại cuộc họp, ông Phan Ngọc Thọ cũng chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức cuộc họp báo hàng tháng.

Bên cạnh đó, để tăng cường cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, hàng tuần, vào chiều thứ sáu, UBND tỉnh sẽ dành thời gian 1 giờ tại Văn phòng UBND tỉnh để cung cấp thông tin cho báo chí. PV quan tâm cứ đúng lịch đến nhận thông tin và có thể hỏi một số việc liên quan với người phát ngôn của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bùi Ngọc Long

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/du-luan-phan-ung-trao-giay-phep-tai-dien-thai-hoa-ong-phan-ngoc-tho-noi-gi-1047003.html