Dư luận phản ánh tình trạng chạy chọt cửa sau liên quan sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu lên hàng loạt vấn đề liên quan sách giáo khoa và giáo dục phổ thông, trong đó đề cập tình trạng chạy chọt cửa sau.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quochoi.vn.

Các hạn chế về vấn đề này được bà Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đưa ra bao gồm, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ biên soạn một bộ sách giáo khoa như Nghị quyết 88 đã giao.

"Biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách Nhà nước hiện nay vừa không cần thiết, vừa không bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa", đại biểu đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nghị quyết 88 cũng cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa và có Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên, các cử tri ngành giáo dục phản ánh ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục không được tôn trọng.

"Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau. Bộ GD-ĐT chưa làm đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh các hiện tượng lệch lạc này", bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết.

Theo đại biểu này, để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, đại biểu kiến nghị 3 vấn đề với Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các bộ liên quan và UBND các địa phương.

Thứ nhất, thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý Nhà nước trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập huấn giáo viên, triển khai đánh giá kết quả chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác, xem xét việc kê giá sách giáo khoa hàng năm của các nhà xuất bản để đảm bảo giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả.

Thứ hai, bảo đảm điều kiện về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Hiện nay, còn nhiều địa phương chưa đủ phòng và giáo viên để đáp ứng tình trạng quá đông học sinh, nhiều địa phương cũng không tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ, tin học.

Cuối cùng, cần tạo tâm thế phấn khởi sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ giáo viên trước cuộc đổi mới quan trọng trong giáo dục phổ thông.

"Tôi tán thành việc Quốc hội chấp thuận với đề nghị của Chính phủ không tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa mới bằng kinh phí ngân sách Nhà nước và giao Chính phủ đàm phán lại với Ngân hàng thế giới để sử dụng nguồn vốn này vào việc khác thiết thực, hiệu quả hơn", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kết thúc phần phát biểu của mình.

Tùng Đinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/du-luan-phan-anh-tinh-trang-chay-chot-cua-sau-lien-quan-sach-giao-khoa-d266282.html