Dư luận nghi ngờ, Sơn La đề xuất thay trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia

GS.TS Phạm Tất Dong băn khoăn tại sao tỉnh Sơn La tiếp tục giao cho ông Phạm Văn Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh - làm trưởng ban chỉ đạo thi.

Mới đây, tỉnh Sơn La công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo thi và Hội đồng thi để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo đó, ban chỉ đạo kỳ thi có 45 người, gồm một trưởng ban, một phó trưởng ban thường trực.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, người từng đảm nhận vai trò trưởng ban chỉ đạo thi 2018, năm nay tiếp tục được phân công vị trí này.

Tuy nhiên, ngày 30/5, Sở GD&ĐT Sơn La đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định thay thế vị trí này nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Theo đó, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch tỉnh, được đề xuất thay ông Phạm Văn Thủy.

Trước đó, chia sẻ vấn đề này với Zing.vn, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học, cho biết gian lận thi năm trước còn chưa được giải quyết dứt điểm và chưa có kết luận cuối cùng khiến dư luận bức xúc. Thời gian qua, ông không hiểu tại sao tỉnh Sơn La tiếp tục giao cho ông Phạm Văn Thủy làm trưởng ban chỉ đạo thi.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: B.C.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: B.C.

GS.TS Phạm Tất Dong cho hay những người có liên quan dù trực tiếp hay gián tiếp đến tiêu cực thi 2018 tiếp tục được phân công nhiệm vụ điều hành kỳ thi năm nay sẽ càng khiến nhiều người bức xúc và đặt ra câu hỏi: "Liệu năm nay còn gian lận như năm trước không?".

"Ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia năm 2018 tại Sơn La mà để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy, vị này cũng nên xem lại chính mình. Nếu là tôi, tôi sẽ từ chối mặc dù được giao nhiệm vụ", GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Theo ông, sai phạm tại tỉnh Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 rất nghiêm trọng. Vì vậy, năm nay UBND tỉnh Sơn La cần giao cho người khác để làm tốt hơn.

Trả lời VTC News, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ việc tỉnh Sơn La tiếp tục phân công ông Phạm Văn Thủy sẽ làm gia tăng hoài nghi. Địa phương phải cân nhắc, lắng nghe ý kiến công luận trước khi bổ nhiệm nhân sự theo dõi kỳ thi để tăng sự minh bạch, công khai.

Vị đại biểu đoàn Phú Yên khẳng định cơ quan điều tra đã có kết luận bước đầu, vấn đề ở đây là cách phân công của địa phương làm sao để thỏa đáng, phù hợp trong tình hình nhạy cảm hiện nay.

"Việc phân công các nhân sự được nêu danh tính liên quan tới vụ tiêu cực thi cử sẽ khiến cho dư luận và người dân càng thêm nghi ngờ", bà chia sẻ.

Giáo dục đang có nhiều vấn đề tiêu cực khiến dư luận xã hội bức xúc. Thực tế này buộc các lãnh đạo ngành, địa phương phải có trách nhiệm, nắm được vấn đề để đưa ra động thái phù hợp, thỏa đáng.

Trong buổi thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019, đại biểu Thái Trường Giang, tỉnh Cà Mau, cho hay bê bối của kỳ thi THPT quốc gia 2018 không phải trường hợp nhỏ lẻ mà có quy mô tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều địa phương do người có chức quyền có tiền, trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.

“Hành động gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật, thi thật. Gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà”, đại biểu đến từ Cà Mau khẳng định.

Đại biểu Thái Trường Giang mong muốn Bộ GD&ĐT và Chính phủ cần nhìn thẳng vào vấn đề, có những biện pháp cứng rắn hơn để cứu vãn ngành giáo dục kịp thời.

Hoàng Minh - Binh Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/du-luan-nghi-ngo-son-la-de-xuat-thay-truong-ban-chi-dao-thi-quoc-gia-post951659.html