Dư luận Hàn Quốc, Nhật Bản nhiều lần phẫn nộ khi quốc phục bị hạ thấp

Giống Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tôn thờ kimono và hanbok. Không ít lần, cách tân quá đà hay lối hành xử hạ thấp trang phục dân tộc này khiến người dân phẫn nộ.

Mới đây, ngôi sao nhạc đồng quê Kacey Musgraves đã gây ra làn sóng phẫn nộ lớn khi mặc áo dài không quần để biểu diễn. Khán giả Việt vô cùng tức giận, liên tục chỉ trích nữ ca sĩ trên các tài khoản mạng xã hội.

Ý kiến chung của khán giả trong trường hợp này là Musgraves đã không tôn trọng văn hóa và trang phục truyền thống của Việt Nam. Nhiều người còn chỉ trích cô tạo dáng phản cảm, làm "bẩn" tà áo thiêng liêng của người Việt.

Ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài không quần gây phẫn nộ.

Ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài không quần gây phẫn nộ.

Nhưng, đâu đó trong những bình luận chỉ trích vẫn có vài ý kiến cho rằng có thể giọng ca 31 tuổi không biết cách mặc thật sự, càng không ý thức được ý nghĩa và sự tôn nghiêm của áo dài.

Không ít người, dù bị chính khán giả chung ngôn ngữ mẹ đẻ chê trách ngược lại, vẫn cho rằng ngay cả người châu Á cũng nhiều lần mắc lỗi chỉnh sửa quốc phục tới phản cảm thì khó có thể buộc một người ngoại quốc phải hiểu rõ về trang phục truyền thống Á Đông.

Những cách tân quốc phục Hàn Quốc, Nhật Bản gây tranh cãi

Khác với phần lớn các quốc gia Âu - Mỹ, rất nhiều nước Á Đông có trang phục truyền thống lâu đời, trong đó nổi tiếng nhất hẳn là kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc và áo dài của Việt Nam.

Để giới thiệu quốc phục với công chúng thế giới, nhiều trường hợp chọn con đường nhanh và hiệu quả nhất là thông qua các cuộc thi nhan sắc. Và không ít trong số đó đã bị ném đá nặng nề, điển hình là bộ kimono bị cách tân quá đà của Emiri Miyasaka tại Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) 2009.

Emiri Miyasaka bị phản đối khi mang kimono kết hợp nội y tới Miss Universe 2009.

Ngay từ khi chưa được chính thức đến với cuộc thi, bộ ảnh quốc phục dự kiến của đại diện Nhật Bản đã khiến người dân nước này vô cùng tức giận. Người đẹp và ê-kíp của cô mạnh dạn cắt hết phần chân váy dài và nhiều lớp kín đáo của kimono, để lộ quần nội y hồng.

Cách kết hợp áo kimono với thắt lưng obi đúng truyền thống, nhưng diện cùng quần nội y ren và tất lưới màu hồng đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội ngay tại Nhật. Có ý kiến còn ví trang phục của Emiri Miyasaka với quần áo của diễn viên phim cấp 3 hoặc kỹ nữ.

Sau cùng, Công ty IBG Japan - đơn vị nắm bản quyền Miss Universe Japan - phải sửa đổi bộ trang phục để tránh bị dư luận tẩy chay: “Sau khi xem xét ý kiến từ cả những người ủng hộ và lo ngại, chúng tôi quyết định thay đổi, làm cho bộ váy dài hơn”.

Gần đây nhất, hồi tháng 7, cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 2019 cũng gây "bão" trên mạng Internet khi để top 6 mặc hanbok cách tân táo bạo.

Những trang phục này được gọi là corset hanbok, với phần áo được cách tân thành nội y và phần chân váy được cắt ngắn. Áo khoác lửng bên ngoài chiếc áo corset cũng được làm bằng chất liệu xuyên thấu. Trong loạt ảnh được đăng tải trên cổng thông tin Naver, các thí sinh mặc áo cúp ngực để lộ vòng một gây phẫn nộ. Phần chân trang phục ngắn và bó sát như đồ bơi.

Top 6 cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 2019 gây nên làn sóng phẫn nộ khi mặc hanbok cách tân như đồ bơi.

Nhiều ý kiến nhận định bộ corset hanbok giống hệt đồ bơi. Thậm chí, không ít người cho rằng các thí sinh biểu diễn catwalk trên sân khấu trông giống các gisaeng (kỹ nữ thời Joseon).

"Đây là hành động xúc phạm trang phục truyền thống", "Không phải đây sẽ là màn thi mặc trang phục dân tộc sao? Mấy cô gái này đang mặc gì đây?", "Thực sự quá thô tục", "Đây là cuộc thi của gisaeng đấy à? Đừng làm như vậy với quốc phục"... là những ý kiến chỉ trích trang phục trong cuộc thi sắc đẹp xứ kim chi.

Không chỉ mặc hanbok cách tân táo bạo, các thí sinh còn gây "sốc" khi vừa bước trên sân khấu vừa cởi bỏ áo ngoài, khoe vòng một căng đầy. Hành động này được cho là xúc phạm văn hóa phục trang cổ truyền.

Quốc phục là niềm tự hào, là danh dự của một đất nước

Cách đây không lâu, Kim Kardashian đã đưa ra ý tưởng sản xuất dòng nội y mới với tên gọi kimono. Ngay lập tức, người dân nước Nhật cũng như Nhật kiều sống tại Mỹ đã lên tiếng phản đối kịch liệt.

Làn sóng chống đối sản phẩm và cách đặt tên xúc phạm văn hóa quốc gia trên trở nên dữ dội đến mức Kardashian buộc phải đổi tên dòng sản phẩm nội y và đăng bài xin lỗi công khai. Qua sự việc này, những người dân Nhật Bản không giấu được niềm tự hào khi đã bảo vệ được sự tôn nghiêm của trang phục truyền thống.

Một số bài viết gọi việc Kim Kardashian đặt tên dòng nội y theo quốc phục kimono của Nhật Bản hay Kacey Musgraves mặc áo dài không quần là "culture aproppriations - sự chiếm đoạt văn hóa". Khái niệm này nhằm chỉ việc những công dân thuộc xã hội thống trị sử dụng các yếu tố văn hóa như phong tục, tập quán, quần áo mang nét đặc trưng... theo cách méo mó, sai lệch hoặc bị biến tướng thành trò đùa.

Việc này khiến cho người dân thuộc các nước bị sử dụng văn hóa (hay từng được gọi là nền văn hóa bị trị) cảm thấy bị xúc phạm.

Nữ diễn viên Choo Ja Hyun tạo dáng lả lơi trong bộ hanbok được cách tân phản cảm.

Trong một số trường hợp, "chiếm đoạt văn hóa" không chỉ xuất hiện tại các nước được đặt trong tâm thế cai trị, mà còn xảy ra ở cả những nước có nền văn hóa và vai trò lịch sử tương đương.

Ví dụ, năm 2011, tạp chí dành cho nam giới Nanrenzhuang của Trung Quốc sắp xếp cho Choo Ja Hyun chụp ảnh với bộ hanbok cách tân. Điều đáng nói, bộ hanbok nữ diễn viên người Hàn mặc không chỉ mỏng manh, gần như trong suốt mà cô còn táo bạo trút bỏ hết áo ngoài, chỉ diện bộ đồ lót mỏng manh bên trong.

Những bức ảnh với kiểu tạo dáng gợi cảm tới mức lả lơi của Choo Ja Hyun đã gây nên làn sóng tẩy chay kịch liệt ở quê nhà. Việc thiếu tôn trọng quốc phục khiến cô bị chỉ trích một, thì việc mặc bộ đồ này xuất hiện trên một trang tạp chí Trung Quốc khiến cô bị chỉ trích mười.

Cách tân đến đâu là đủ?

Trong văn hóa Hàn Quốc, hanbok là một trong những điều thiêng liêng nhất. Bộ trang phục đại diện cho tính truyền thống và sự kín đáo của phụ nữ Hàn. Hanbok truyền thống được thiết kế kín và rộng, che tối đa hình thể người mặc.

Bất kỳ kiểu cách tân nào khiến người mặc hanbok hở vai, xương cổ hay ngực đều bị cho là phản cảm. Bên cạnh đó, tương tự người dân Việt Nam, người Hàn Quốc cho rằng khi mặc quốc phục, các cô gái luôn phải đoan trang, nền nã và được tôn trọng tối đa.

Honey Lee và bộ hanbok vừa gọn gàng, hiện đại, vừa đảm bảo tính truyền thống tại Miss Universe 2007.

Vì vậy, nhóm nhạc nổi tiếng Big Bang từng bị phản đối dữ dội khi đưa cảnh quay nô đùa với các người mẫu Tây mặc hanbok vào MV Bae Bae.

Không chỉ để người mẫu mặc hanbok thiếu áo khoác ngoài, để lộ nửa vòng một, nhóm còn có cảnh quay hất tung vạt váy để nhìn vào phía trong đôi chân các cô gái. Cảnh quay kéo dài 20 giây trên đã khiến Big Bang bị "ném đá" trong thời gian dài.

Cũng là cách tân, nhưng những bộ hanbok xuất hiện tại đấu trường nhan sắc thế giới của người đẹp Hàn lại được khen ngợi nồng nhiệt.

Họ có thể cải tiến về chất liệu vải, độ rộng, ôm tùy tường cá nhân hay thay đôi giày bệt thêu hoa bằng giày cao gót hiện đại. Nhưng quy tắc bất di bất dịch các nhà thiết kế phải nhớ chính là váy phải che được tới cổ chân, có quần vải trắng mặc trong và không được phép hở vai.

Ví dụ tiêu biểu như bộ quốc phục Honey Lee diện tới Miss Universe 2007, cô đã cắt ngắn bớt chân váy và đổi sang chất liệu voan nhẹ nhàng, may áo khoác ngoài ôm sát hơn để tiện cho việc vừa đi lại vừa đánh trống cổ truyền.

Cuộc thi Miss Universe 2007 cũng chứng kiến một "pha" cách tân quốc phục khác khá ấn tượng của Hoa hậu Riyo Mori. Cô đã nhận được tràng pháo tay không ngớt khi bước ra sàn runway với bộ kimono cách điệu, xẻ vạt cao, đi guốc mộc và buông mái tóc dài đen tuyền đầy quyền lực.

Có thể nói, cách cải tiến kimono của Riyo Mori cũng khá táo bạo, nhưng không hề phản cảm, khoe thân. Khán giả quốc tế cũng như dư luận đất nước mặt trời mọc đều dành lời khen có cánh cho cô, gọi cô là "chiến binh mạnh mẽ". Năm đó, trang phục của Riyo Mori lọt vào top những trang phục dân tộc đẹp nhất.

Các năm sau đó, đại diện nhan sắc Nhật Bản đều học theo Mori, cách tân kimono theo hướng cá tính hơn, gợi hình ảnh nữ chiến binh samurai mạnh mẽ và đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của công chúng.

Bộ kimono cách điệu của Riyo Mori tại Miss Universe 2007 nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Cách tân quốc phục không phải là việc xấu, nhưng cách tân thế nào cho đẹp mắt, không phản cảm là bài toán khó dành cho các nhà thiết kế.

Bên cạnh đó, nhiều người đồng ý rằng việc "đào tạo" cho những người đến từ luồng văn hóa ngoại lai hiểu được tầm quan trọng của những bộ quốc phục cũng quan trọng không kém.

Vậy nên, hiện tại, ngoài những ý kiến chỉ trích hay tẩy chay, nhiều khán giả Việt đang cố gắng gửi lời nhắn đến Kacey Musgraves để cô biết hành vi của mình là không phù hợp. Đôi khi, một lời xin lỗi chân thành có thể làm phai bớt ác cảm của những người con đất Việt.

Khi đó, có thể mọi chuyện sẽ diễn ra như nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng phát biểu: "Nếu được, tôi sẵn sàng tặng cô ấy một bộ áo dài đẹp để cô ấy hiểu hơn về trang phục của Việt Nam. Biết đâu, khi mình góp ý nhẹ nhàng, mang tính xây dựng, cô ấy càng có thiện cảm với áo dài và giúp giới thiệu hình ảnh quốc phục Việt ra thế giới?".

Nhóm nhạc nối tiếng Hàn Quốc duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam Từng mang áo dài lên sân khấu biểu diễn, Momoland nhận lời khen về nhan sắc và vóc dáng trong trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Nghiêm Ngọc

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/du-luan-han-quoc-nhat-ban-nhieu-lan-phan-no-khi-quoc-phuc-bi-ha-thap-post1001024.html