Dư luận 'dậy sóng' vì Israel sắp sáp nhập Bờ Tây

Trước thời hạn Israel xúc tiến sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan kể từ ngày 1-7 sắp tới, dư luận quốc tế gia tăng những tiếng nói phản đối quyết liệt và thúc đẩy ngăn chặn kế hoạch nguy hiểm này của Nhà nước Do Thái.

Ngày 26-6, Liên hợp quốc (LHQ) hối thúc Liên minh châu Âu (EU) có hành động ngăn cản phù hợp kế hoạch sáp nhập nói trên của Israel, vốn từng được cảnh báo sẽ “gây bão” ở khu vực Trung Đông. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền trong lãnh thổ của người Palestine, ông Michael Lynk đã hối thúc EU đưa ra các cảnh báo phản đối kế hoạch của Israel sáp nhập các khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng cùng “một loạt các biện pháp ngăn chặn”, như trừng phạt kinh tế, thương mại hoặc các biện pháp khác.

Trước đó một ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây, nhấn mạnh đây sẽ là động thái “vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế”. Ông bày tỏ hy vọng sẽ có những cuộc đàm phán mới để cuối cùng đạt được giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine. Ông cũng cảnh báo việc Israel cố tình sáp nhập Bờ Tây đe dọa những nỗ lực để tiến tới hòa bình cho toàn bộ khu vực Trung Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Trước đó, hơn 1.000 nghị sĩ thuộc 25 nước châu Âu đã viết thư gửi Bộ Ngoại giao các nước này, trong đó bày tỏ mối lo ngại đặc biệt về kế hoạch của Israel. Các nghị sĩ cho rằng cần phải ngăn chặn ý định của Israel vì nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế. Động thái này sẽ phủ bóng đen lên triển vọng hòa bình Israel-Palestine. Các nghị sĩ kêu gọi những nhà lãnh đạo châu Âu hành động dứt khoát để ứng phó trước thách thức này nhằm chứng tỏ trách nhiệm của châu Âu trong việc thực hiện những cam kết dài hạn của mình đối với giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Họ cho rằng, châu Âu cần đi đầu trong việc vận động các nước đoàn kết cùng nhau ngăn chặn kế hoạch của Israel.

Cho đến nay, đã có nhiều nước châu Âu lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái của Israel đe dọa giải pháp hai nhà nước và EU cũng đã thảo luận khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nhà nước Do Thái. Trong một tuyên bố chung, 7 quốc gia châu Âu là: Bỉ, Anh, Estonia, Pháp, Đức, Ireland và Na Uy cảnh báo, việc sáp nhập "sẽ làm suy yếu nghiêm trọng” triển vọng nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông.

Về phần Palestine, tại LHQ, đại diện Palestine Riyad al-Malki cảnh báo Palestine có thể đưa vấn đề ra Tòa án Công lý quốc tế và thúc giục các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt Israel nếu Tel Aviv vẫn kiên quyết theo đuổi kế hoạch.

 Người Palestine biểu tình rầm rộ tại Dải Gaza nhằm phản đối kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel. Ảnh: AP.

Người Palestine biểu tình rầm rộ tại Dải Gaza nhằm phản đối kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Israel. Ảnh: AP.

Trước làn sóng phản đối của dư luận quốc tế, gần đây, một số lãnh đạo và quan chức cấp cao Israel đã đề cập khả năng tạm hoãn lại kế hoạch này. Tuy nhiên, nhiều khả năng Israel chưa từ bỏ tham vọng khi tiếp tục cho thấy có những động thái chuẩn bị biến kế hoạch sáp nhập thành hiện thực. Gần đây, quân đội Israel đã đặt các khối bê tông trên đường ở các ngôi làng ở Bờ Tây nối với tuyến đường cao tốc dẫn tới Thung lũng Jordan. Palestine cho rằng hành động này nhằm chặn hoàn toàn con đường tiếp cận khu vực. Palestine cũng cáo buộc người định cư Do Thái đã san nhiều phần đất của người Palestine tại Bờ Tây để chuẩn bị cho việc xây dựng một đường vành đai lớn mới tại Đông Jerusalem, nối các khu định cư Do Thái ở phía bắc và nam thành phố này.

Theo thông tin mới nhất trên tờ Times of Israel, Israel đã chuyển thông điệp tới Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas rằng Israel không có kế hoạch sáp nhập Thung lũng Jordan, thay vào đó sẽ chỉ sáp nhập 2 hoặc 3 khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Thông điệp của Israel đã được chuyển tới PA thông qua Jordan, sau khi người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông Yossi Cohen, hội kiến Quốc vương Jordan Abdullah trong tuần này.

Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi cũng cho biết, nước này có khả năng không sáp nhập Thung lũng Jordan theo đề xuất trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện chính trường Israel vẫn đang bất đồng trong đánh giá về hệ quả của kế hoạch sáp nhập. Giới lãnh đạo quân đội và Mossad chưa thống nhất việc sáp nhập có dẫn tới nguy cơ Israel phải đối mặt với làn sóng bạo lực từ người Palestine hay không. Trước đó, trong một cuộc họp, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kohavi và chỉ huy tình báo quân đội Tamir Hayman cảnh báo kế hoạch sáp nhập có thể làm bùng phát bạo lực ở Bờ Tây, bao gồm các vụ tấn công bằng súng nhằm vào dân thường và binh lính Israel. Hai ông cũng cảnh báo có thể xuất hiện trở lại tình trạng đánh bom tự sát-hình thức tấn công xảy ra trong làn sóng phản kháng Intifada thứ hai đầu thập niên 2000, cho rằng việc sáp nhập cũng có thể dẫn tới xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/du-luan-day-song-vi-israel-sap-sap-nhap-bo-tay-624482