Dư luận các nước về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Tại Iran, cuộc bầu cử Mỹ khiến người dân thấp thỏm. Các thị trường tiền tệ đóng băng chờ đợi kết quả. Tại Israel, người dân lại cầu nguyện ông Donald Trump tái đắc cử.

Các biển báo chỉ dẫn cử tri đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Richmond, Virginia. Ảnh: AP

Các biển báo chỉ dẫn cử tri đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Richmond, Virginia. Ảnh: AP

Trong bốn năm, thế giới đã chứng kiến một tổng thống Mỹ khác biệt. Dưới đường lối của ông Donald Trump, các liên minh lâu năm đã trở nên căng thẳng; các thỏa thuận bị xóa sổ; thuế quan tăng lên; nguồn tài trợ bị rút lại...

Liệu nhiệm kỳ của ông Trump sẽ kết thúc tại đây hay còn nới rộng? Việc ông rời hoặc tiếp tục ở lại Nhà Trắng sẽ ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng quốc tế? Các quốc gia đã theo dõi và đánh giá Ngày bầu cử Mỹ thế nào?

Phóng viên hãng tin AP trên khắp thế giới đã ghi chép lại luồng dư luận tại các nước về sự kiện quan trọng đang diễn ra này.

Brazil

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không hề che giấu khi công khai ủng hộ người đồng cấp Mỹ sau khi phái đoàn hai bên ký kết một thỏa thuận thương mại cùng với khoản tài trợ lên đến 1 tỷ USD của Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Mỹ vào tháng 10 qua.

“Tôi hy vọng, nếu đó là ý Chúa, tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ngài tổng thống sẽ sớm tái đắc cử tại Mỹ. Tôi chẳng cần che giấu mong muốn này. Nó xuất phát từ trái tim”, ông Bolsonaro phát biểu ngày 20/10.

Giống ông Trump, ông Bolsonaro được làn sóng dân túy ủng hộ khi tranh cử. Các nhà phân tích chính trị địa phương đã suy đoán rằng cuộc bầu cử ở Mỹ có thể là đòn bẩy cho sự ủng hộ lâu dài trong nước đối với nhà lãnh đạo Brazil.

Vấn đề Brazil đặc biệt quan tâm chính là việc tàn phá rừng nhiệt đới Amazon. Tổng thống Trump giữ im lặng, nhưng vấn đề này có thể trở thành trọng tâm của Chính quyền Joe Biden nếu ứng cử viên đảng Dân chủ này thắng cử. Bà Anya Prusa, cộng sự cấp cao tại Viện Brazil của Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson nhận định điều này đã được nhấn mạnh khi ông Biden đề cập đến Brazil trong lần tranh luận đầu tiên. Cựu Phó Tổng thống Mỹ nói quốc gia Mỹ Latinh này sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu không kiềm chế được nạn phá rừng.

Cuba

Ông Cristobal Marquez, chủ nhà hàng "Cristobal's" - nơi ông Obama cùng phu nhân Michelle dùng bữa trưa trong chuyến thăm Cuba năm 2016, khoe quyển sách ảnh của ông. Ảnh: AP

Trong khi ông Joe Biden vốn là thành viên của chính quyền từng coi trọng việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, nới lỏng lệnh cấm đi lại, tạo điều kiện cho người Cuba ở Mỹ gửi tiền về quê hương, ông Donald Trump lại tăng cường trừng phạt những doanh nghiệp làm ăn với Cuba. Ông thậm chí cấm người Mỹ ở khách sạn do nhà nước Cuba quản lý. Nếu tái đắc cử, ông Trump cam kết siết chặt trừng phạt Chính phủ Cuba hơn nữa.

Ông Carlos Alzugaray, cựu nhân viên ngoại giao Cuba, nhận xét: “Đây là cuộc bầu cử đầu tiên trong một thời gian dài, chính sách của hai ứng cử viên về Cuba lại khác biệt rõ ràng đến vậy. Với ông Trump, sẽ có nhiều cấm vận hơn, nhiều sự thù địch hơn và bốn năm đầy khó khăn ở phía trước. Với ông Biden, chúng tôi có thể quay trở về các chính sách thời Tổng thống Obama”.

Ông Alzugaray cho rằng bước đầu, ông Biden sẽ bình thường hóa quan hệ bằng cách cử đại sứ đến Cuba, tái thiết lập thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và cố vấn.

Pháp

Cuộc đấu khẩu giữa Chính quyền Tổng thống Trump và Liên minh châu Âu - đặc biệt là Pháp - đã dẫn đến việc Washington áp mức thuế 25% đối với một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của EU hồi năm ngoái: rượu vang Pháp.

Các nhà sản xuất rượu trên khắp nước Pháp hy vọng rằng sự thay đổi Tổng thống Mỹ có thể tháo gỡ tình hình hiện nay. Liên hiệp nhà xuất khẩu rượu vang của Pháp cho biết gần đây hoạt động nhập khẩu rượu vang của Mỹ đã giảm 35% trong 8 tháng đầu tiên sau khi bị áp thuế, tương ứng với việc thất thoát gần 500 triệu USD doanh thu.

Ông Dominique Piron, Chủ tịch Cơ quan thương mại Inter Beaujolais, cho rằng chính quyền Biden có thể thay đổi vụ tranh chấp trên. Ông nói: “Dưới thời Tổng thống Biden, tôi hy vọng rằng các chính phủ có thể thảo luận trên bàn đàm phán và không phát ra những dòng tweet để quyết định mọi thứ”.

Ethiopia

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tại Addis Ababa. Ảnh: AP

Chính sách của Tổng thống Donald Trump phần lớn bỏ qua vùng châu Phi, chỉ ngoại lệ: cuộc tranh cãi giữa Ethiopia và Ai Cập về dự án đập lớn trên một nhánh sông Nile.

Người Ethiopia đã bị bất ngờ vào đầu năm nay khi Tổng thống Trump quyết định đình chỉ viện trợ hàng triệu USD cho nước này, vốn là một đồng minh an ninh lớn của Mỹ ở Sừng châu Phi. Tháng trước, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố với các phóng viên rằng Ai Cập sẽ “cho nổ tung con đập đó”.

Thủ tướng Abiy Ahmed đã lên án động thái trên của ông Trump. Bộ Ngoại giao Ethiopia triệu tập Đại sứ Mỹ tại nước này để giải trình. Ethiopia nghi ngờ Chính quyền Mỹ thiên vị Ai Cập.

Ukraine

Ukraine đang cố gắng tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến chính trị ở Mỹ. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã vận động cả hai đảng để đảm bảo nguồn viện trợ tài chính và quân sự của Washingtonđược duy trì cho dù ai là người chiến thắng.

Volodymyr Fesenko, người đứng đầu hãng cố vấn Penta có trụ sở tại Kiev, cho biết: “Ông Zelenskiy đã làm hết sức để giữ tính trung lập trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử tại Mỹ”.

Mexico

Nền kinh tế Mexico được dự báo sẽ giảm gần 10% trong năm nay - mức sụt giảm lớn nhất tại khu vực - và Tổng thống Andrés Manuel López Obrador hiểu rõ họ cần phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi kinh tế của Mỹ.

Ai giành chiếc ghế Nhà Trắng năm nay là mối quan tâm hàng đầu của Mexico vì hai nước là đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Tổng thống López Obrador đã cho thấy khả năng hòa hợp đáng kinh ngạc với người đồng cấp Tổng thống Donald Trump. Khi còn là ứng cử viên cách đây 4 năm, ông Trump nói Mexico đang đưa những kẻ hiếp dâm và tội phạm đến Mỹ, đồng thời lên kế hoạch xây tường biên giới với Mexico.

Raymundo Barraza Gómez, chủ tiệm trang sức tại thành phố biên giới Tijuana nhớ lại nỗi lo lắng của ông khi Tổng thống Trump trúng cử 4 năm trước. “Lúc đầu, chúng tôi lo ngại Mexico sẽ gặp thêm rắc rối về kinh tế. Tuy nhiên, sau những năm qua, tình hình không đến nỗi tồi tệ”.

Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ý thất vọng khi Tổng thống Donald Trump không thực hiện lời hứa khôi phục mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden cũng không cho Điện Kremlin nhiều hy vọng.

Giới chức Mỹ cáo buộc Moskva can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 nhằm giúp ông Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton. Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ lập luận trên. Trong nhiệm kỳ, ông Trump đã tung ra nhiều đợt trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Moskva.

Israel

Tấm bảng thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AP

Trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo của người Israel định cư tại Bờ Tây đã tập trung tại thành phố Hebron để cầu ông Donald Trump giành chiến thắng. Đó là một động thái mang tính biểu tượng cao của những người định cư Israel – đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ các chính sách Trung Đông của ông Trump.

Tổng thống Netanyahu cũng công khai ngả về phía ông Trump. Ông bày tỏ hy vọng các chính sách của ông Trump sẽ kéo dài trong những năm tới.

Người Palestines, không nghi ngờ gì, ủng hộ ông Joe Biden. Ứng cử viên đảng Dân chủ đã báo hiệu rằng ông sẽ loại bỏ cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Iran và người Palestines. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại ở Israel.

Iran

Các công nhân in cờ Mỹ trong một xưởng sản xuất ở làng Heshmatieh village, Iran. Ảnh: AP

Tại nước Cộng hòa Hồi giáo này, cuộc bầu cử Mỹ khiến người dân thấp thỏm. Các thị trường tiền tệ đóng băng chờ đợi kết quả. Mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Iran đều đã chịu ảnh hưởng nặng từ các biện pháp cấm vận gia tăng sức ép của Chính quyền Tổng thống Trump. Với 1 USD, bạn có thể đổi 276.500 rial. Tại thời điểm ông Trump nhậm chức tháng 1/2017, tỷ giá 1 USD bằng 37.000 rial.

Hossein Kanani Moghadam, cựu chỉ huy lực lượng Vệ binh quốc gia Iran, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục “hành xử thù địch” cho dù người thắng cử là ai. Dù vậy, ông tin ứng cử viên Biden có thể muốn quay trở lại bàn đàm phán nếu chiến thắng.

Ấn Độ

Với nhiều người Ấn Độ, kỳ bầu cử Mỹ là vấn đề cá nhân. Viễn cảnh ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris – người gốc Ấn – có thể nắm giữ vị trí cao thứ hai trong bộ máy chính trị Mỹ đã xuất hiện trong suy nghĩ của hàng triệu người dân thường Ấn Độ. Nhưng với chính phủ nước này, cuộc bầu cử diễn ra ngày 3/11 chỉ xoay quanh những hợp tác quân sự và ngoại giao mới đây giữa hai quốc gia. 4 năm qua, hợp tác quốc phòng và an ninh Mỹ - Ấn Độ ngày càng bền chặt khi họ cùng chung đối thủ là Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thể không nhận thấy điều khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên so với các nước khác. Ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại trung tâm Wilson cho hay: “Dù ai thắng cử, quỹ đạo mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ tiếp tục thuận lợi. Quan điểm của ông Trump và ông Biden không có nhiều điểm chung, nhưng chính sách ngoại giao với Ấn Độ là một trong số những đồng điệu ít ỏi đó”.

Bán đảo Triều Tiên

Hình ảnh ông Donald Trump và Joe Biden xuất hiện trên bản tin thời sự ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Với cả Triều Tiên và Hàn Quốc, số phận đàm phán hạt nhân là tâm điểm chú ý khi hai quốc gia này theo dõi cuộc bầu cử Mỹ.

Kết quả bầu cử có thể tác động nghiêm trọng đến việc Triều Tiên ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân hay không. Nếu ông Trump tái đắc cử, một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn nối lại đàm phán. Triều Tiên thích một quy trình dựa trên hội nghị thượng đỉnh, giúp họ đạt cơ hội tốt hơn để giành được những nhượng bộ tức thì, chẳng hạn việc ông Trump bất ngờ ngừng tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 2018.

Trong khi đó, Hàn Quốc vốn không dễ dàng thương thuyết với ông Trump. Tổng thống Trump đã nhiều lần phàn nàn về chi phí để duy trì 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Thỏa thuận về chi phí đóng góp giữa hai nước đã hết hạn năm 2019 song họ chưa thể cùng nhất trí phương án thay thế.

Trung Quốc

Một nhân viên giao hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc dán ảnh Tổng thống Trump cùng cờ Mỹ lên xe. Ảnh: AP

Đối với Trung Quốc, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 chủ yếu gây chú ý ở lĩnh vực thương mại. Trung Quốc muốn đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại nước nhà cùng lúc trở thành nhà tiên phong công nghệ trên thế giới.

Mối quan hệ thương mại đầy bão táp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức chính là trọng tâm mà Bắc Kinh quan tâm ở cuộc bầu cử Mỹ. Mặc dù chiến thắng của ông Joe Biden không đảm bảo bất kỳ sự nới lỏng nào nhưng Bắc Kinh hy vọng tình hình không xấu thêm cũng như việc các cuộc đàm phán đi vào chiều sâu hơn.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/du-luan-cac-nuoc-ve-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-20201105213116386.htm