Dữ liệu xấu về kinh tế Trung Quốc

Tăng trưởng sản lượng nhà máy của Trung Quốc rơi về mức thấp kỷ lục trong 17 năm qua, khiến Bắc Kinh càng chịu áp lực phải tung thêm các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn bế tắc.

Hôm 14-6, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết trong tháng 5-2019, tăng trưởng sản lượng ở khu vực công nghiệp của Trung Quốc rơi về mức 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tăng trưởng ở các lĩnh vực ô tô, sản phẩm y tế và thiết bị máy tính chứng kiến mức giảm tốc mạnh nhất.

Đáng chú ý, đây là mức tăng thấp kỷ lục kể từ 1995, năm mà dữ liệu sản lượng nhà máy Trung Quốc bắt đầu được thống kê.

Một dữ liệu xấu nữa là đầu tư tài sản cố định (nhà cửa, máy móc, thiết bị, xe cộ, công nghệ...) của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ tăng 5,6% trong 5 tháng đầu năm nay, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy doanh số bất động sản tính theo diện tích sàn, một chỉ số quan trọng để đo lường nhu cầu, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 10-2017.

Các nhà kinh tế ở ngân hàng ANZ viết trong báo cáo gửi cho khách hàng: “Tăng trưởng trì trệ trong ngành bất động sản Trung Quốc là điều đáng lo ngại. Chúng ta thực sự cần giám sát tác động tiêu cực của bất động sản đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”.

Một số công ty phát triển bất động sản ở Trung Quốc gần đây tìm cách thúc đẩy doanh số bằng cách giảm mạnh giá bán, làm dấy lên lo ngại nguy cơ kích hoạt làn sóng bán tháo. Hồi đầu tháng 6, chính quyền thành phố Ân Thi ở tỉnh Hồ Bắc kêu gọi các công ty bất động sản bình ổn giá bằng cách dừng giảm giá bán, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

 Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Liên Vân Cảnh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Liên Vân Cảnh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Với các dữ liệu kinh tế xấu, Ngân hàng ANZ quyết định cắt giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc từ mức 6,4% xuống 6,2% cho năm nay. Betty Wang, nhà kinh tế ở AZN, cho biết các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc hai tháng qua không đáp ứng “các kỳ vọng của chúng tôi”.

Điểm sáng hiếm hoi là doanh thu bán lẻ của Trung Quốc bật lên mức 8,6% trong tháng 5 từ 7,2% trong tháng 4, mức thấp nhất trong 16 năm.

Tin xấu dường như đang dồn dập xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc. Trong tuần qua, Trung Quốc cũng công bố các dữ liệu kinh tế khác cho thấy xuất khẩu gần như đi ngang và nhập khẩu giảm 8,5% trong tháng 5. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại qua mỗi tháng kể từ đầu năm.

Giới phân tích cho biết, sự giảm tốc của sản lượng nhà máy ở Trung Quốc chủ yếu là do nhu cầu trong nước suy yếu. Một lý do khác là Bắc Kinh rút lại chương trình kích thích tăng trưởng hồi tháng 4 khi nhận thấy sự cải thiện trong đàm phán thương mại với Mỹ.

Song các nhà kinh tế ở ngân hàng Goldman Sachs cho rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước thông qua “những tác động đến các kỳ vọng”.

Bắc Kinh đã phát tín hiệu về các nỗ lực kích thích kinh tế mới trong những tuần gần đây thông qua việc chỉ đạo các chính quyền tăng phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án hạ tầng lớn. Giới phân tích dự báo Bắc Kinh sẽ công bố thêm nhiều biện pháp kích thích trong những tuần tới.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương tuyên bố, Trung Quốc còn nhiều dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu chiến tranh thương mại diễn biến xấu thêm dù Bắc Kinh cũng muốn tránh tăng quá nhanh tổng nợ quốc gia.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc sử dụng chính sách tiền tệ và tài chính để bù đắp tác động của các đòn thuế Mỹ lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang xoay xở cân bằng các ưu tiên giảm mức đòn bẩy tài chính quá lớn trong nền kinh tế và duy trì đồng nhân dân tệ ổn định với thách thức củng cố niềm tin trong nền kinh tế giữa lúc sức ép thương mại của Mỹ đang gia tăng.

“Kích thích tài chính có thể gia tăng ở Trung Quốc và sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua việc đẩy nhanh đầu tư các dự án hạ tầng hiện tại cũng như bổ sung thêm các dự án hạ tầng mới”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc ở ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định.

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ yếu đi trong quí 2-2019 trước khi ổn định vào cuối năm nay nhờ nỗ lực nới lỏng chính sách vĩ mô”, Louis Kuijs, Giám đốc kinh tế châu Á ở công ty tư vấn Oxford Economics (Anh), nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo căng thẳng thương mại với Mỹ, nếu leo thang hơn nữa, chắc chắn sẽ gây áp lực cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và làm tổn thương niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng ở Trung Quốc đồng thời gây tổn hại cho triển vọng tăng trưởng Trung Quốc trong trung hạn.

Dữ liệu bi quan về sản lượng nhà máy và đầu tư tài sản cố định công bố hôm 14-6 cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đà giảm tốc tăng trưởng mà một số nhà kinh tế cho rằng có nguy cơ thủng 6%, ngưỡng dưới cùng trong mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho năm nay, trừ phi Bắc Kinh kích thích thêm nền kinh tế.

“Dường như tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang thiếu sức sống, từ xuất khẩu cho đến bất động sản. Giờ đây, vấn đề hóc búa đối với các nhà hoạch định chính sách là các biện pháp kích thích trước đây đã không thể nâng đầu tư chi tiêu hạ tầng trong khi thị trường bất động sản đang ảm đạm”, Larry Hu, nhà kinh tế ở chi nhánh ngân hàng Macquarie Group tại Hồng Kong, nói.

Theo Financial Times, Wall Street Journal

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290126/du-lieu-xau-ve-kinh-te-trung-quoc.html