Dữ liệu thông tin các dự án PPP đang rất hạn chế

Theo cơ quan soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP), minh bạch thông tin PPP thời gian qua chưa thực sự được chú trọng. Cần nghiên cứu bổ sung quy định về công khai thông tin về dự án PPP trong suốt vòng đời dự án.

Cần nghiên cứu bổ sung quy định về công khai thông tin về dự án PPP trong suốt vòng đời dự án. Ảnh: Internet.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP hiện nay còn chưa được chú trọng mặc dù Luật Đấu thầu, Nghị định số 15/CP về PPP và Nghị định số 30/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã quy định công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Do vậy, nhằm tạo môi trường thông tin thông suốt cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng, cần nghiên cứu bổ sung quy định về công khai thông tin về dự án PPP (bao gồm biện pháp công khai, minh bạch thông tin trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án PPP và các chế tài liên quan trong trường hợp các bên không thực hiện đúng các quy định này) trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ KH&ĐT đã đề xuất 2 nhóm giải pháp. Cụ thể, nhóm chính sách 1 sẽ tập trung tăng cường tính công khai thông tin dự án PPP.

Một trong những nền tảng của cơ chế giải trình trách nhiệm là việc công khai các thông tin về chương trình PPP một cách kịp thời và toàn diện. Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc giải trình này nhằm đảm bảo vai trò quản lý tốt chương trình PPP.

Các cơ quan này có thể bao gồm: Các cơ quan kiểm toán tối cao; Cơ quan lập pháp; người dân. Với các cơ quan kiểm toán tối cao, Bộ KH&ĐT cho rằng, nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền có các đơn vị kiểm toán độc lập, đóng vai trò đảm bảo quản lý tốt việc thực hiện chương trình PPP.

Các đơn vị này sẽ xem xét các thỏa thuận PPP, kiểm toán các báo cáo tài chính của chính phủ. Họ cũng có thể xem xét lại các hoạt động của dự án PPP, kiểm tra những điểm đáng quan tâm hoặc xem lại hiệu quả đầu tư của toàn bộ chương trình. Những đánh giá này cho phép cơ quan lập pháp và người dân kiểm tra hiệu suất của chương trình PPP.

Đối với cơ quan lập pháp, trong một số trường hợp, cơ quan lập pháp có thể trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện, phê duyệt các dự án PPP. Thông thường, nó thực hiện trách nhiệm giám sát các báo cáo của Chính phủ.

Đối tượng thứ 3 là người dân, theo Bộ KH&ĐT, người dân có thể tham gia trực tiếp vào việc thiết kế dự án PPP, thông qua quy trình lấy ý kiến cộng đồng và theo dõi chất lượng dịch vụ bằng cách cung cấp các kênh phản hồi.

Bằng việc sửa đổi Nghị định 15/CP, hiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/CP đã bổ sung tương đối nhiều các quy định về công khai thông tin dự án PPP. Ví dụ: Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải đánh giá tác động của hình thức PPP đối với cộng đồng, dân cư thuộc phạm vi dự án khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để quyết định chủ trương đầu tư và tham vấn ý kiến các bên về việc đầu tư thực hiện dự án khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi; sau khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và được khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Nhóm chính sách thứ 2 sẽ là những quy định về chế độ báo cáo định kỳ, làm căn cứ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về PPP.

Bộ KH&ĐT co biết, hiện nay, việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin về các dự án PPP là rất hạn chế. Tại Bộ KH&ĐT có trang tin riêng nhưng thông tin, dữ liệu không đầy đủ và chủ yếu được xây dựng từ cơ quan đầu mối là Bộ KH&ĐT; những thông tin dự án, chương trình PPP cụ thể tại các Bộ, ngành, địa phương chưa được chủ động đăng tải lên cùng một trang tin để thuận tiện trong việc quản lý và cung cấp thông tin kịp thời.

Bên cạnh đó, trên cơ sở hạ tầng thông tin hạn chế, việc truyền thông, xúc tiến đầu tư PPP tới thị trường quốc tế chưa được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Hiện nay, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế muốn tìm hiểu thông tin dự án PPP tại Việt Nam chủ yếu phải chủ động đến Việt Nam tìm hiểu trực tiếp hoặc thông qua các kênh thông tin từ đại sứ quán, các tổ chức đại diện xúc tiến thương mại. Đây được xem là hạn chế rất lớn của chương trình PPP tại Việt Nam hiện nay và cần được quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trước thực tiễn này, đồng thời học tập kinh nghiệm từ chính các hệ thống cơ sở dữ liệu của nước ta hiện đang vận hành hết sức hiệu quả (cơ sở dữ liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, về vốn ODA...), Bộ KH&ĐT cho biết, Luật PPP cần có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tổng hợp và báo cáo định kỳ về số liệu dự án PPP; trách nhiệm của cơ quan đầu mối tổng hợp số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu.

Gắn liền với công tác tổng hợp số liệu, việc xây dựng kênh thông tin truyền thông về PPP sẽ nâng cao tính công khai, minh bạch của không chỉ từng dự án mà cả chương trình PPP nói chung tới các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế.

H.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/du-lieu-thong-tin-cac-du-an-ppp-dang-rat-han-che.aspx