Dữ liệu người dùng trên mạng xã hội bị khai thác như thế nào?

Nghiên cứu của công ty an ninh mạng Clario Tech đối với gần 50 thương hiệu lớn nhất thế giới cho thấy, Facebook thu thập hơn 70% dữ liệu mà họ cho là hợp pháp khi người dùng sử dụng dịch vụ của họ. Các thương hiệu truyền thông xã hội khác cũng thu thập rất nhiều dữ liệu về người dùng của họ, như Instagram, thuộc sở hữu của Facebook, thu thập gần 59%, Tinder thu thập gần 56%, trong khi Grindr gần 53%...

Facebook đứng đầu trong danh sách những công ty thu thập dữ liệu từ người dùng.

Facebook đứng đầu trong danh sách những công ty thu thập dữ liệu từ người dùng.

Vì mục tiêu quảng cáo

Theo Mary Atamaniuk - Giám đốc Nội dung của Clario, quảng cáo là lý do lớn nhất khiến các mạng xã hội tận dụng tối đa dữ liệu của người dùng để kiếm tiền. Và nếu họ càng biết nhiều về người dùng, họ càng có thể kiếm được nhiều công ty quảng cáo. Các thông tin khai báo thông thường, như tên, tuổi, vị trí, địa chỉ email và ngày sinh, công việc và nhiều thông tin khác của người dùng.

Thông thường, ngay từ khi tạo tài khoản, các mạng xã hội đã yêu cầu người dùng cung cấp hồ sơ chi tiết về cá nhân và những thông tin khác để họ phân khúc đối tượng, nhắm mục tiêu quảng cáo. Ðiều đó thực tế khiến họ cũng gặp ít nhiều rắc rối với những người ủng hộ quyền riêng tư. Tuy nhiên, theo Liz Miller, chuyên gia phân tích tại Constellation Research, lý do khiến các nền tảng xã hội thu thập được nhiều dữ liệu là do người dùng cho phép, vì họ ít quan tâm đến dữ liệu cá nhân.

Mọi thông tin từ nơi ở, đang làm gì, thích gì, không thích gì, cảm xúc và tâm trạng, chi tiết về thiết bị... là những thứ mà người dùng đang để lại trên mạng xã hội và đều có giá trị với các công ty. Những dữ liệu này sẽ được tổng hợp và phân loại theo cách không chỉ có thể sử dụng cho chính họ mà còn có thể được bán như một dịch vụ cho các nhà quảng cáo hoặc các nhóm nội bộ để mở rộng hoạt động kinh doanh, Liz Miller nói thêm.

Cần bảo vệ thông tin người dùng

Một số nhà bán lẻ tìm kiếm dữ liệu khi người dùng rê chuột vào đâu đó trên trang của mình, như IKEA thu thập 23,53%, Nike thu thập 26,47% và Depop thu thập 26,47%. Trong khi đó, tất cả các công ty đều có nhu cầu thông tin như tên, email và địa chỉ nhà riêng cùng với thông tin chi tiết về ngân hàng để xem họ có thể giao dịch trực tuyến hay không. Ngoài ra, các hãng thời trang thu thập dữ liệu về chiều cao và cân nặng để giúp họ thiết kế những bộ quần áo phù hợp hơn.

Tất nhiên, theo Rob Enderle, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính tại Enderle Group, xét ở một góc độ khác, việc thu thập dữ liệu cũng có mặt tích cực. Họ sử dụng nó để tạo ra những sản phẩm tốt hơn và phù hợp hơn.

Trong khi đó, Mary Atamaniuk lưu ý rằng với sự phong phú của dữ liệu được chia sẻ với các doanh nghiệp, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy một số thông tin được tiết lộ về người tiêu dùng - điều mà hầu hết khách hàng muốn được giữ kín.

Theo Atamaniuk, hiện tại có một số các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như GDPR của EU, hay Ðạo luật về quyền riêng tư dữ liệu của bang California (Mỹ), nhưng thực tế, những thứ này không hiệu quả lắm, vì chúng không phù hợp cho người dùng ở mọi quốc gia. Vì vậy, sự quan tâm, vào cuộc, hợp tác của các chính phủ để cùng đưa ra các quy định chung nhằm bảo vệ thông tin người dùng trên các nền tảng xã hội hiện nay là điều cần thiết.

HOÀNG THY (Theo Tech News World)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/du-lieu-nguoi-dung-tren-mang-xa-hoi-bi-khai-thac-nhu-the-nao-a127586.html