Dữ liệu đất đai trực tuyến của TP. Hồ Chí Minh giúp người dân tìm thông tin thuận tiện hơn

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa công bố Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường. Dựa trên nền tảng này, Sở đang xây dựng dự án dữ liệu thông tin giá đất để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi.

Lãnh đạo các sở cùng ấn nút kích hoạt Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường. Ảnh: VGP

Lãnh đạo các sở cùng ấn nút kích hoạt Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường. Ảnh: VGP

Nền tảng này được hình thành từ Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành Tài nguyên và Môi trường. Đây là nơi lưu trữ, chia sẻ 450 tệp dữ liệu tài nguyên và môi trường của toàn Thành phố, gồm nhiều thông tin như: phân khu, diện tích đất, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất...

Thông qua nền tảng này, các tổ chức cá nhân có thể hiểu rõ được dữ liệu và cách thức tiếp cận để tạo ra các ứng dụng phục vụ lợi ích cộng đồng trên nhiều thiết bị khác nhau như: Điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và nền tảng web mà không cần phải làm lại dữ liệu từ đầu nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng giá trị dữ liệu.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, dựa trên nền tảng này, Sở đang xây dựng dự án dữ liệu thông tin giá đất để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi. Với các đơn vị khác, đây sẽ là dữ liệu nền để tạo ra nhiều ứng dụng mới, như ngành giao thông, giáo dục đã dùng bản đồ này và thêm các lớp dữ liệu của ngành mình để dễ quản trị tổng thể.

"Ví dụ, quận Bình Tân lấy dữ liệu quy hoạch sử dụng đất, lấy dữ liệu bằng ảnh chụp viễn thám của ngành Tài nguyên và Môi trường, từ đó chồng các lớp lên, kiểm tra các pháp lý về xây dựng của Ngành. Như vậy, chúng tôi có dữ liệu từ ảnh chụp viễn thám qua các năm, theo dõi hiện trạng các khu đất trên địa bàn", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết hiện nay, Sở đang hoàn thành dữ liệu về giá đất, khi công bố sẽ hoàn toàn đảm bảo về mặt pháp lý và tính chính xác. Từ đó, có thể phục vụ cho doanh nghiệp và người dân truy cập để cập nhật vùng giá đất về giao dịch, về giá đất biến động.

Việc đầu tư vào các nền tảng dữ liệu đang là xu hướng của ngành Tài nguyên và Môi trường nhằm chuyển đổi số và sử dụng hiệu quả dữ liệu trong quản trị công. Năm 2020, Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra mắt nền tảng tích hợp dữ liệu nhằm lưu trữ, kết nối tất cả thông tin của Ngành để chia sẻ với các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nhà nước.

Trên bản đồ nền mà Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, Sở Giao thông Vận tải có thể chồng các lớp về giao thông để có thể quản lý giao thông của Thành phố. Các ngành khác như: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo... cũng có thể sử dụng bản đồ nền từ gốc của ngành Tài nguyên và Môi trường để chồng thêm các lớp quản lý (Ví dụ như: thông tin về đo độ cao, quản lý về mức độ ngập lụt, kiểm tra pháp lý của các quy hoạch sử dụng đất...)

Người dân có thể truy cập vào các đường link để lấy thông tin nền tảng này gồm: Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh (geodata-stnmt.tphcm.gov.vn) và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành Tài nguyên và Môi trường (esb-stnmt.tphcm.gov.vn). Đây là nơi lưu trữ, chia sẻ 450 tệp dữ liệu tài nguyên và môi trường của toàn thành phố, gồm nhiều thông tin như phân khu; diện tích đất; quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất; độ cao mặt đất; tốc độ lún...

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/du-lieu-dat-dai-truc-tuyen-cua-tp-ho-chi-minh-giup-nguoi-dan-tim-thong-tin-thuan-tien-hon-350887.html