Du lịch: 'Vũ khí' của Trung Quốc trong thương chiến

Một mặt trận mới có thể đang mở ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Ngành công nghiệp du lịch trị giá 1.600 tỉ đô la mỗi năm của Mỹ.

 Du khách Trung Quốc chụp hình tượng Nữ thần Tự do ở New York. Ảnh: NY Times

Du khách Trung Quốc chụp hình tượng Nữ thần Tự do ở New York. Ảnh: NY Times

Khách sạn Hilton Los Angeles/Universal City ở Los Angeles, bang California, từ lâu là điểm lưu trú yêu thích của du khách Trung Quốc nhưng bất ngờ chứng kiến lượng khách từ nước đông dân thứ hai thế giới sụt giảm 23% vào năm ngoái và giảm tiếp thêm 10% nữa trong những tháng đầu năm 2019.

Cách đây vài năm, các chuyến xe buýt chở các đoàn du khách Trung Quốc từ 20-30 người thường xuyên ghé đến một cửa hàng nữ trang cao cấp của công ty Shreve & Company ở San Francisco. Song các chuyến xe buýt đó giờ đây đã biến mất, Lane Schiffman, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ của Shreve & Company, cho biết.

Tại thành phố New York, chi tiêu của du khách Trung Quốc, vốn cao hơn gần gấp hai lần mức chi tiêu của các du khách nước ngoài khác, đã giảm 12% trong quí 1-2019.

Số liệu của Cục Du lịch và Lữ hành quốc gia thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ giảm khá mạnh vào năm ngoái, rơi về mức 2,9 triệu người, giảm so với con số 3,2 triệu người vào năm 2017.

Các lãnh đạo ngành du lịch Mỹ lo ngại mức giảm đó sẽ tăng tốc trong năm nay, ảnh hưởng không chỉ đến các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng mà còn các nhà bán lẻ và các điểm du lịch như các công viên giải trí và các sòng bài.

Tori Barnes, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách và các vấn đề công cộng ở Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTA), cho biết du khách Trung Quốc là nguồn thu giá trị vì họ chi tiêu trung bình 6.700 đô la Mỹ/người trong mỗi chuyến thăm Mỹ, cao hơn 50% so với các du khách quốc tế khác. Bà nói: “Du khách quốc tế thực sự giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại với nước ngoài”.

Adam Sacks, Chủ tịch công ty tư vấn Tourism Economics, nhận định lượng khách Trung Quốc thăm Mỹ có thể còn giảm thêm trong năm nay.

Ông nói: “Nếu nhìn lại thập kỷ trước, bạn thấy lượng khách Trung Quốc thăm Mỹ tăng trung bình 23% mỗi năm nhưng rồi giờ đây đột ngột dừng tăng trưởng và bắt đầu đảo chiều vào năm 2018”.

Ông chỉ ra một ví dụ nhãn tiền về việc Trung Quốc đã thực sự “vũ khí hóa” du lịch. Năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Hàn Quốc giảm mạnh gần 50% sau khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Seoul mà nhiều người cho rằng có thể được sử dụng để do thám lãnh thổ Trung Quốc.

Ví dụ này cũng được Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nêu ra trong một báo cáo công bố hồi tuần trước, với cảnh báo trong “kịch bản tồi tệ nhất”, lượng khách Trung Quốc đến Mỹ có thể giảm 50%. Các nhà phân tích của Bank of America Merrill Lynch cho biết nếu kịch bản này xảy ra, ngành du lịch Mỹ sẽ thiệt hại 18 tỉ đô la.

Lượng khách Trung Quốc suy giảm có thể một phần là do nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc, khiến người tiêu dùng không có nhiều tiền để chi tiêu tùy nghi theo ý thích nữa. Song các lãnh đạo ngành du lịch, các chuyên gia thương mại quốc tế và các nhà kinh tế ở Mỹ cho rằng yếu tố lớn hơn dẫn đến sự suy giảm này là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những thông điệp hô hào chủ nghĩa dân tộc của truyền thông Trung Quốc.

Họ cho biết Bắc Kinh có thể nhận ra rằng lượng du khách khổng lồ của nước này là một vũ khí trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

Du khách Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm trước trụ sở của Facebook ở bang California. Ảnh: NY Times

Jan Freitag, Phó Chủ tịch Công ty dữ liệu và nghiên cứu lữ hành STR, nói: “Đó là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ nếu Trung Quốc cạn dần các phương án trả đũa. Trung Quốc không còn nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ để áp thuế. Và một điều mà họ có thể tận dụng để trả đũa là lượng người Trung Quốc du lịch nước ngoài”.

Jacob Kirkegaard, học giả cao cấp ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington cho rằng mức độ kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước cũng tạo ra một lợi thế rõ ràng cho Bắc Kinh trong các toan tính hạn chế du khách Trung Quốc đến Mỹ.

Michael O. Moore, Giáo sư khoa kinh tế và các vấn đề quốc tế ở Đại học George Washington, cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói: “Bạn có một lợi thế khổng lồ trong một cuộc xung đột nếu bạn kiểm soát được thông điệp tuyên truyền. Đang có cuộc vận động yêu nước ở Trung Quốc và hình ảnh Mỹ được mô tả theo chiều hướng tiêu cực. Điều này có thể đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định đi du lịch của người dân”.

Hôm 4-6, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ra thông báo khuyến cáo công dân cân nhắc khi du lịch đến Mỹ vì họ có thể gặp rắc rối từ các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Một ngày trước đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng cảnh báo các sinh viên Trung Quốc đang có kế hoạch sang Mỹ du học về các rủi ro bị trì hoãn cấp thị thực hoặc các rắc rối khác sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố yêu cầu hầu hết các đương đơn xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ phải cung cấp các thông tin sử dụng mạng xã hội của họ trong 5 năm trước đó.

“Các cảnh báo như vậy có thể gây ra hiệu ứng sợ hãi. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi hai chính phủ không chính trị hóa du lịch”, Roger Dow, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Mỹ, nói.

Các thành phố cửa ngỏ vào Mỹ được hưởng lợi lớn nhất nhờ lượng du khách Trung Quốc gia tăng nhưng giờ đây họ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Christopher Heywood, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông toàn cầu của NYC & Company, một tổ chức tiếp thị du lịch thành phố New York, cho biết chiến tranh thương mại và các vấn đề thị thực nhập cảnh vào Mỹ “đang khiến chúng tôi lo lắng”. Ông cho biết du khách Trung Quốc ở thành phố New York chi trung bình khoảng 3.000 đô la/người trong mỗi chuyến thăm, cao gần gấp đôi mức chi tiêu của các du khách nước ngoài khác.

Ngành khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thấm đòn chiến tranh thương mại

Tờ South China Morning Post hôm 12-6 dẫn một báo cáo mới công bố của công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Colliers International cho biết trong quí 1-2019, doanh thu trên mỗi phòng khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 7,2% so với năm ngoái, trong khi đó, tỷ lệ lấp kín phòng cũng giảm về mức 67,4%.

Govinda Singh, Giám đốc bộ phận đánh giá và tư vấn ở châu Á của công ty Colliers International, tác giả của bản báo cáo, nói: “Rõ ràng sự leo thang gần đây trong cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang bắt đầu gây áp lực cho niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, vậy nên đã làm giảm mức tăng trưởng nhu cầu khách sạn”.

Báo cáo của Colliers International dự báo doanh thu của ngành khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 3-4% trong năm nay nhưng cảnh báo rằng nếu chiến tranh thương mại leo thang hơn nữa, mức doanh thu này sẽ sụt giảm từ 2-3%.

Singh nói khi ông đưa ra dự báo tăng trưởng doanh thu 3-4%, ông chưa tính đến kịch bản chiến tranh thương mại sẽ diễn tiến tồi tệ như hiện nay.

Theo New York Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290052/du-lich-vu-khi-cua-trung-quoc-trong-thuong-chien.html