Du lịch Việt Nam tụt hậu khá xa so với nhiều nước ASEAN

Theo báo cáo từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018, công suất hoạt động của 21 sân bay tại Việt Nam vẫn không bằng một sân bay hàng đầu của Singapore hay Thái Lan.

Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế và nội địa nhộn nhịp nhất nhưng liên tục bị quá tải

Phát biểu tại VBF, Trưởng nhóm công tác du lịch Colin Pine nhận định Việt Nam đã có nhiều bước đi đúng đắn trong việc phát triển ngành du lịch. Tuy vậy, “điều quan trọng cần phải nhớ rằng Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước khác và đặc biệt với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam”.

Rõ ràng, việc tiếp tục phát triển ngành du lịch Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào việc tăng lượng khách quốc tế khi tính đến hết tháng 10/2018, 12,81 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành công nghiệp này dự kiến đóng góp gần 10% vào GDP của Việt Nam khi xét đến tất cả các yếu tố đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đóng góp phát sinh.

Sự tăng trưởng của ngành du lịch sẽ tùy thuộc vào việc làm sao để du khách có thể đến Việt Nam một cách dễ dàng nhất có thể (chính sách thị thực) và phải đảm bảo cung cấp đủ dịch vụ vận chuyển một cách dễ dàng, thuận tiện và giá cả phải chăng đến các điểm đến du lịch của Việt Nam (chính sách hàng không).

Tuy nhiên trên thực tế, cả hai yếu tố này đều đang cho thấy sự tụt hậu rất xa so với các quốc gia ASEAN khác.

Báo cáo của Nhóm công tác du lịch VBF chỉ rõ Việt Nam đã liên tục có những bước đi đúng đắn bằng việc tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực lên thành 24 nước (tăng 2) và áp dụng hình thức thị thực điện tử.

Mặc dù vậy, bước đi này có vẻ như không thấm vào đâu so với những nước cùng khu vực khác.

Trong khối ASEAN, số lượng các quốc gia được miễn thị thực của Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar và bị bỏ rất xa bởi những cái tên khác. Trong khi các du khách đến từ 24 quốc gia được miễn thị thực khi vào Việt Nam, con số này của Brunei là 54, Thái Lan là 55 và có thành viên ASEAN thậm chí đạt trên 150.

Xét về yếu tố sân bay, Việt Nam là quốc gia có số hãng hàng không ít nhất (cùng với Singapore nhưng quốc gia này không có hàng không nội địa) với 4 giấy phép hoạt động hàng không thương mại đã được cấp. Trong số bốn hãng này, Vietnam Airlines có số cổ phần đáng kể trong Jetstar Pacific và Bamboo Airways chỉ vừa mới được phê duyệt gần đây.

Thái Lan mặc dù chỉ sở hữu dân số bằng khoảng 70% của Việt Nam lại có tới gấp 3 số lượng hãng hàng không được phê duyệt.

Sự thiếu cạnh tranh này có thể làm tăng chi phí đi lại, phản ánh thực tế là chi phí một số tour du lịch nội địa thậm chí cao hơn chi phí của các tour du lịch quốc tế có cùng một khoảng cách di chuyển và thời gian lưu trú.

“Ngoài sự thiếu cạnh tranh tương đối trong vận tải hàng không, vấn đề cơ sở hạ tầng của sân bay cũng là một vấn đề then chốt có thể là yếu tố quyết định chính đến khả năng tiếp tục phát triển ngành du lịch của Việt Nam”, báo cáo của Nhóm công tác du lịch VBF nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có 21 sân bay với tổng công suất phục vụ 75 triệu hành khách/năm, thấp hơn công suất của Sân bay Changi (Singapore), Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) lẫn Sân bay Suvarnabumhi (Thái Lan).

Sân bay Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế và nội địa nhộn nhịp nhất nhưng vẫn bị quá tải liên tục. Sân bay Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua nhưng các báo cáo đầu tư vẫn chưa được hoàn thành.

Báo cáo nhận định “đây là một ví dụ điển hình về nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng mà hoạt động phát triển và đầu tư sân bay gây ra trong quá trình tiếp tục phát triển ngành du lịch Việt Nam”.

Thái Lan, Malaysia xếp vị trí thứ 9 và 10 trên thế giới về thu hút khách du lịch. Cùng lúc đó, Singapore, Campuchia và Indonesia vẫn đang tiếp tục chú trọng phát triển du lịch quốc tế của họ, cho thấy cuộc cạnh tranh du lịch ngày càng trở nên khốc liệt.

Lan Hương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/du-lich-viet-nam-tut-hau-kha-xa-so-voi-nhieu-nuoc-asean-1543951310439.htm