Du lịch Việt Nam: Phát triển đồng bộ để giữ chân du khách

Ngay đầu năm, tại Nha Trang (Khánh Hòa)- địa điểm du lịch nổi tiếng - xuất hiện nhiều vấn nạn 'chặt chém' du khách.

Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế và 85 triệu khách nội địa, liệu có hoàn thành khi ngành du lịch vẫn còn nhiều điều nan giải?

Năm 2018, khách quốc tế đến nước ta xác lập kỷ lục mới - 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm trước (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách).

Năm 2018, khách quốc tế đến nước ta xác lập kỷ lục mới - 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm trước (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách).

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Du khách Malaysia đến Nha Trang (Khánh Hòa) chơi trong dịp Tết Kỷ Hợi. Họ vào quán hải sản trên đường Trần Phú, cách biển gần 500 m, để dùng bữa vào tối 7/2 (mùng 3 Tết).

Với thực đơn khoảng 10 món, nhóm khách phải trả hơn 9 triệu đồng. Trong đó, trứng xào cà chua có giá 500.000 đồng/ đĩa, cơm trắng 200.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/đĩa... khiến khách phản ứng, vì cho rằng quán ăn “chặt chém”.

Công ty lữ hành dẫn đoàn khách yêu cầu làm việc với quản lý nhà hàng, song không được trả lời thích đáng nên đã phản ánh đến ngành du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phụng (chủ nhà hàng) cho biết, ông cùng một số người góp vốn mở quán hải sản. Tuy nhiên, hôm 2/2 (28 Tết), ông và các cổ đông đã chuyển nhượng cho một người khác ở phía Bắc, thông qua công ty môi giới, nên không thể nắm được các hoạt động của quán. Thấy thông tin quán ăn bị tố giác chặt chém khách, tôi có phản ứng với quản lý của nhà hàng và yêu cầu tháo biển hiệu cũ của mình.

Khi đoàn kiểm tra liên ngành của Khánh Hòa đến nhà hàng kiểm tra, bên trong chỉ có thanh niên tên Trần Văn Huy, xưng bảo vệ. Anh này cho hay, làm việc tại đây từ ngày 29 Tết. Nhiệm vụ của anh chỉ trông coi quán nên không biết chủ là ai hay khách nào vào ăn.

“Chúng tôi gọi chủ quán lẫn quản lý nhưng đều không liên lạc được. Đoàn lập biên bản ban đầu và đang liên lạc các bên để có hướng giải quyết, xử lý”, một thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết, đã nhận thông tin, đang tìm hiểu để làm rõ. “Du khách đến địa phương du lịch có những bức xúc về chất lượng du lịch có thể phản ánh qua đường dây nóng, lực lượng chức năng sẽ có mặt sau 15 phút để xử lý”, bà Thanh khẳng định.

Cũng ngày 7/2 (mùng 3 Tết), một hóa đơn thanh toán của nhà hàng Tháp Bà Làng Chài (TP. Nha Trang) khiến dư luận bức xúc khi những món ăn như cháo được tính tới 400.000 đồng/phần, khổ qua (mướp đắng) xào 250.000 đồng/phần, mồng tơi 250.000 đồng/phần... Tổng tiền trên hóa đơn lên tới 16,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP. Nha Trang, khẳng định: “Quan điểm của thành phố là sai phạm của các nhà hàng đến đâu, kiên quyết xử lý đến đó. Không thể để một thành phố du lịch thân thiện xây dựng bao lâu, một điểm đến trong năm du lịch quốc gia lại có tình trạng giá như vậy”.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: “Hành vi “chặt chém” dù với khách quốc tế hay trong nước đều không thể chấp nhận được. Có thể đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Là du khách, họ trải nghiệm 9 điểm tốt mà chỉ cần 1 điểm xấu thì hình ảnh Việt Nam không còn đẹp nữa rồi. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy, trước khi tới một điểm đến, chúng ta cần nghiên cứu kỹ thông tin liên quan. Không chỉ là thời tiết, khí hậu mà cả về phong tục, tập quán cho tới giá cả.

Đặc biệt, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội hiện đều có nhiều thông tin cảnh báo, khuyến cáo đối với du khách. Chúng ta cần chủ động phòng tránh, loại bỏ các hiện tượng, hành vi xấu ở một số điểm đến”.

Tại sao khách quốc tế không quay lại Việt Nam?

Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 10-40%, trong khi ở Thái Lan, tỷ lệ này đến 80%.

Như nhiều khách du lịch đến Việt Nam, Jorn (từ Na Uy, đã khám phá 58 nước) dành gần một tháng khám phá dải đất hình chữ S. Dù rất ấn tượng với Việt Nam vì giá rẻ, đồ ăn ngon, đi lại dễ dàng, nền văn hóa đa dạng, năm ngoái Jorn vẫn chia sẻ trên trang blog lý do không quay lại đây: Bẫy du lịch.

Tình huống anh hay gặp phải là tài xế gian lận với chiếc đồng hồ công-tơ-mét chạy nhanh gấp đôi bình thường. Khi anh hỏi phí cước, hai bên đồng ý giá 80 (nghĩa là 80.000 đồng hay 4 USD - Jorn giải thích), nhưng đến nơi tài xế đòi 80 USD. Trên một chuyến xe khách ở Việt Nam, phụ lái thu anh và bạn gái mỗi người 60.000 đồng, trong khi những người khác chỉ phải trả 40.000 đồng. Dù số tiền không lớn, cả hai quyết định xuống xe vì cảm thấy mình bị lừa dối.

Cảm giác này đến với Jorn và bạn gái không chỉ 1-2 lần. Theo Jorn, đó là một trong những lý do khiến tỷ lệ khách quay lại Việt Nam ít hơn hẳn so với nước láng giềng Thái Lan.

Chia sẻ trên Quora, Joe Bird, du khách từ Australia, đưa ra một số lý do khiến tỷ lệ khách quay lại Việt Nam không bằng Thái Lan. Một là, Việt Nam không phải trung tâm trung chuyển quốc tế. Bạn sẽ khó đến nơi mình muốn nếu qua Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Điều này khác với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore hay Dubai, nơi Joe có thể dễ dàng bay thẳng đến nhiều nơi trên thế giới.

Điều họ ngại đến Việt Nam nữa là, khách ở nhiều nước phải xin visa trước. Họ có thể làm thủ tục để đến Việt Nam một lần nhưng trong các chuyến du lịch sau, họ sẽ ưu tiên tới các nước miễn visa hoặc cấp visa cửa khẩu tiện lợi hơn nhiều. Joe còn nhắc đến nhận thức. Bởi từng có thời gian anh đi đâu cũng nghe mọi người nhắc đến Việt Nam - nơi phải đến một lần trong đời. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, Joe thấy làn sóng chỉ trích của các blogger, kể về trải nghiệm, họ bị lừa đảo, chèo kéo khi du lịch.

Cần tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng

Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế và 85 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng đang bộc lộ những hạn chế: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực du lịch còn yếu; năng lực quản lý chưa đồng đều; phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường...

Bên cạnh những kết quả nổi bật, du lịch Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như công tác quản lý điểm đến vẫn còn một số tồn tại như công tác đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót. Tình trạng tour giá rẻ có nhiều biến tướng tinh vi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam; chính sách thị thực còn hạn chế so với các nước trong khu vực là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam. Kết nối hàng không tới các thị trường nguồn còn hạn chế. Nhiều sân bay đã hoặc sẽ quá tải trong vài năm tới như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài…

Nguồn kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, cần phải khắc phục ngay.

Đó là phải quản lý điểm đến và quản lý dịch vụ du lịch, trong đó quản lý lữ hành và tour giá rẻ đang phải quan tâm hiện nay. Còn có biểu hiện chặt chém, lừa đảo, vệ sinh môi trường… chưa đảm bảo, tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này như về mặt pháp lý, hay vấn đề phối hợp liên ngành, trách nhiệm các cấp hay các quy định pháp lý chưa đủ tính răn đe…

Ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, trước mắt, ngành tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tác động tích cực của du lịch tới nền kinh tế, xã hội; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong du lịch; công khai, minh bạch giá cả, dịch vụ, thông báo rộng rãi tới các đơn vị vi phạm quy định về giá và các sản phẩm tương ứng; phối hợp chặt chẽ với các ngành công thương, công an, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, trong năm 2019, du lịch Việt Nam cần đạt được chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện các đề án của Chính phủ phê duyệt, ngành Du lịch cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến, quảng bá. Tập trung vào các thị trường trọng điểm để tiếp tục thu hút thêm lượng khách từ những thị trường này, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng khách. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ, lưu trú, lữ hành nhằm tạo những ấn tượng tốt về du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hữu Thắng

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/du-lich-viet-nam-phat-trien-dong-bo-de-giu-chan-du-khach-post25864.html